Thị trường hàng hóa
Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ vươn ra biển lớn / Doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược sản phẩm và mô hình kinh doanh để chuyển đổi số
Theo ông Trần Minh Hoan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nam Định, nhận thức được vai trò quan trọng của KHCN trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư, tăng cường tiềm lực hạ tầng kỹ thuật KH, CN nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong 10 năm trở lại đây, Nam Định đã tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các đơn vị KHCN công lập trên địa bàn thông qua việc sửa chữa trụ sở làm việc, tăng cường đầu tư bổ sung các trang thiết bị cần thiết phục vụ yêu cầu chuyên môn, điều kiện làm việc.
Một số tổ chức có sự đầu tư mạnh cho trang thiết bị như Trung tâm ứng dụng, dịch vụ KHCN (Sở KH&CN) được đầu tư 51,7 tỷ đồng; Trung tâm giống gia súc, gia cầm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) được đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng; Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định được đầu tư 5 tỷ đồng...
Cũng trong thời gian này, tỉnh đã đầu tư một số dự án KHCN, tiêu biểu là Dự án “Nâng cao năng lực tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Nam Định giai đoạn II” với tổng kinh phí 28 tỷ đồng.
Dự án đã phát huy hiệu quả đầu tư khi giúp tỉnh duy trì tốt năng lực kiểm định, hiệu chuẩn thuộc 7 lĩnh vực đo lường, đào tạo; duy trì chuẩn, thiết bị phục vụ thanh tra, kiểm tra gần 400 cơ sở; tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn đạt 24.000 phương tiện đo lường...
“Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia những hoạt động KHCN. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”, ông Hoan nói.
Báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Nam Định cho biết, giai đoạn 2019-2023, doanh nghiệp trong tỉnh đã hoàn thiện 18 quy trình công nghệ trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất nông, thủy sản.
Trong hoạt động tăng cường chứng nhận an toàn, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, các doanh nghiệp của tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và chứng nhận an toàn, tiên tiến như VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) và HACCP (hệ thống quản lý chất lượng dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu).
Tuy nhiên, theo ông Hoan, việc triển khai ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh Nam Định còn gặp không ít khó khăn bởi mạng lưới đơn vị nghiên cứu còn mỏng; trình độ nhân lực KHCN chưa cao; chưa huy động được nhiều nhân lực KHCN của các trường đại học trên địa bàn tỉnh tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Trong khi đó, tại Nam Định chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên quy mô, tiềm lực tài chính còn hạn chế, trình độ nguồn nhân lực chưa cao, nguồn kinh phí để đổi mới, tiếp nhận công nghệ mới còn hạn hẹp.
Hệ thống sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương đang trong giai đoạn hình thành và chưa liên kết được với các tổ chức hỗ trợ.
Nam Định là địa phương đi chậm hơn so với một số tỉnh trong cả nước trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bắt đầu từ năm 2021, Nam Định mới bắt đầu từng bước hình thành hệ sinh thái này và gặp nhiều khó khăn trong cơ chế chính sách và kinh nghiệm triển khai.
Cũng theo ông Hoan, một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng còn thiếu tính kết nối và chia sẻ.
Vì vậy, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng, cần phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và sự sát cánh, đồng hành cùng nhau trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Hoan đề xuất Bộ KH&CN đầu tư xây dựng Khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tập trung quy mô vùng với đầy đủ các hạng mục, bao gồm cả khu ươm tạo công nghệ và khu không gian sáng tạo để các công ty khởi nghiệp trong vùng có thể sử dụng.
Qua đó, phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức, hội thảo, sự kiện cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm