Thị trường hàng hóa
Năm 2023 được xác định là “năm dữ liệu số quốc gia”, ông Nguyễn Bình Nam, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Opla CRM cho rằng, đây thực sự là một định hướng đúng thời điểm và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam cũng như các DN. Bởi vì, dữ liệu số đóng một vai trò rất quan trọng, khi không chỉ cung cấp nguồn tài nguyên quan trọng để DN hiểu rõ hơn về khách hàng, thị trường, đối thủ và xu hướng mà còn có thể giúp phát triển, thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi liên tục.
“Vì vậy, việc thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu số cần được đặt lên hàng đầu trong các chiến lược kinh doanh của DN”, ông Nam nhận định.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Opla CRM cho rằng, hiện tại, khi CĐS, các DN thường nhắc nhiều đến câu chuyện về quy trình, nhân sự… hơn là dữ liệu số.
Nguyên nhân là do dữ liệu nằm ở phần chìm của câu chuyện CĐS. Bên cạnh đó, dữ liệu số ở mỗi DN cũng có sự khác biệt nhất định.
Cụ thể, các công ty sẽ phải trải qua 5 giai đoạn khác nhau liên quan đến dữ liệu, đầu tiên là chưa có bất kỳ dữ liệu số nào. Tiếp theo là việc có dữ liệu một cách tự phát, rồi sau đó đến giai đoạn 3 được tổ chức, sắp xếp nhưng chưa sử dụng công cụ nào để khai thác.
Giai đoạn 4 là khi DN đã ứng dụng công cụ để khai thác nhưng chưa đem lại giá trị như mong đợi. Giai đoạn cuối cùng là khi đơn vị có dữ liệu, được tổ chức sắp xếp, ứng dụng công cụ để khai thác và đem lại giá trị như mong đợi.
Hiện tại, theo ông Nam, các ngành vốn phát sinh nhiều dữ liệu như thương mại điện tử, hàng không, ngân hàng, nền tảng, thanh toán…đa phần đang ở mức độ 4. Còn những lĩnh vực truyền thống hơn như bán lẻ, bất động sản, xây dựng… đang ở giữa giai đoạn 3 và 4.
“Còn các DN siêu nhỏ, hộ gia đình, hay tiểu thương thậm chí còn mới chỉ loanh quanh giai đoạn 2”, ông Nam nhận định.
Trong 5 giai đoạn trên, ông Nam cho rằng, các DN Việt thường gặp khó ở giai đoạn 3 và 4. Việc này bắt nguồn từ việc thiếu công cụ để tập hợp, chuẩn hóa và sắp xếp dữ liệu, tiếp đó làm sao để có thể sử dụng một cách hiệu quả.
Dù có rất nhiều công cụ dành cho công ty B2C (tiếp cận tới người tiêu dùng cá nhân), nhưng đối với các DN B2B (hướng tới khách hàng DN) thì có rất ít giải pháp. Một trong số đó là OplaCRM - công cụ giúp các DN B2B tập trung dữ liệu khách hàng (đầu mối, liên hệ, các cơ hội bán hàng), kết hợp với dữ liệu công việc của đội ngũ bán hàng nội bộ (sales) và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Qua đó giúp khai thác hiệu quả các mối quan hệ với khách hàng, từ đó tăng cường năng suất của sales, bán hàng hiệu quả tốt hơn, tăng cả doanh thu, lợi nhuận.
Cũng theo ông Nam, gần đây, mọi người thường nhắc đến câu chuyện “dữ liệu số là nguồn tài nguyên mới” và khiến cho không ít DN cảm thấy “nóng ruột”.
Tuy nhiên, quá trình hình thành, khai thác và tạo ra giá trị từ dữ liệu số cho DN sẽ cần cả nguồn lực, tài chính, thời gian lẫn quyết tâm CĐS của mỗi đơn vị. Do đó, các DN không thể “ngày một ngày hai” là có thể thực hiện được. Giống như “dầu mỏ”, từ lúc khai thác cho đến khi thành khí Gas hay xăng dầu phải trải qua một quá trình không hề đơn giản.
Chưa kể, sau COVID-19, nhiều công ty chưa kịp khỏe mạnh đã phải thủ thế, co cụm lại để đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế. Quá nhiều việc phải toan tính trong khi ngân sách hạn hẹp nên quá trình chuyển đổi số để tận dụng dữ liệu số trong 2-3 năm gần đây chưa thể bùng nổ như mong đợi.
Chưa kể đến, một số DN dù đã khai thác dữ liệu số nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra giá trị. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do đơn vị đó chưa biết cách khai thác, khiến cho dữ liệu đã trở thành rác. “Việc đội ngũ không có kinh nghiệm, không có hạ tầng để khai thác, hạn chế về năng lực… đã dẫn tới cầm “vàng” mà không biết dùng để tạo ra giá trị”, ông Nam chia sẻ thêm.
Nguyên nhân tiếp theo có thể đến từ chính dữ liệu đó không có giá trị thật hoặc không thể đáp ứng được yêu cầu của DN.
Để phát triển dữ liệu số, một rào cản khác là câu chuyện cát cứ dữ liệu của các đơn vị. Về vấn đề này, theo đại diện OplaCRM, việc tạo ra các liên minh nhằm tận dụng dữ liệu khách hàng của nhau được nhiều tập đoàn, DN khởi xướng, tuy nhiên chưa thấy trường hợp nào khả quan. Thậm chí trong các tập đoàn lớn với nhiều đơn vị thành viên, thì ngay cả việc chia sẻ dữ liệu nội bộ cũng đem lại kết quả không như kỳ vọng.
Mặc dù vậy, nếu đứng ở góc độ DN, việc chia sẻ dữ liệu có quá nhiều rủi ro về pháp lý (cam kết bảo mật với khách hàng), lỗ hổng về quản trị dữ liệu (ai sẽ người quản lý dữ liệu chung khi 2 đơn vị cùng bỏ dữ liệu vào 1 nơi), rồi chia sẻ quyền lợi như thế nào khi khai thác dữ liệu chéo như thế cũng chưa có nhiều tiền lệ dẫn đến các đơn vị chưa quyết liệt khi thực hiện.
“Công nghệ blockchain có thể là một chìa khoá để giải bài toán con gà - quả trứng này", ông Nam nhận định.
Bản thân OplaCRM cũng xây dựng lộ trình sản phẩm nhằm giải quyết bài toán này dựa trên Blockchain để giải quyết bài toán về sở hữu và phân quyền truy cập một cách minh bạch.
Trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, rào cản OplaCRM gặp nhiều nhất trong việc CĐS của DN nằm ở tư duy ứng dụng công nghệ đối với người dùng cuối - những người trực tiếp sử dụng nền tảng.
Dù các lãnh đạo, quản lý thấy được tầm quan trọng của dữ liệu số nhưng họ không phải là những người tạo ra dữ liệu mà chính là những người dùng sản phẩm. Tuy nhiên, tư duy của người dùng lại cho rằng việc sử dụng công cụ khiến họ bị kiểm soát thông tin, công việc dẫn đến cả quá trình CĐS của DN bị ảnh hưởng.
Nhưng việc này sẽ thay đổi trong thời gian tới, trong bối cảnh các DN sử dụng giải pháp CRM hoạt động hiệu quả hơn nên sẽ tạo sức ép làm cho những đơn vị “chưa dùng”, hoặc “dùng chưa quen” gặp nhiều áp lực và sẽ phải tự thích nghi.
Lời khuyên cho các DN khi triển khai dữ liệu số, theo ông Nam, các DN có nhiều cách tiếp cận hoặc có thể chọn/kết hợp nhiều cách bao gồm: Tự học, đọc, nghiên cứu và tìm hiểu; Tìm một người/công ty có kinh nghiệm thực tiễn để tìm lời khuyên về lộ trình; Nhìn xem đối thủ đi trước mình hoặc thành công hơn mình làm gì rồi nghiên cứu và học hỏi, bắt chước; Cứ bắt tay làm rồi học từ sai lầm của mình; Ưu tiên bắt đầu từ dữ liệu khách hàng, vì dữ liệu này quan trọng và có giá trị nhất.
Đồng thời, để DN triển khai dữ liệu số một cách bài bản và hiệu quả, CEO của Opla CRM cho rằng, các đơn vị cần phải quan tâm cả 5 vấn đề. Đầu tiên để sử dụng/khai thác dữ liệu số, DN cần phải có công cụ hoặc cơ chế tạo ra một nền tảng dữ liệu đáng tin cậy, đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật thông tin.
Vấn đề thứ 2, đó là việc các nhân viên cần được đào tạo để hiểu và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả. Điều này có thể bao gồm việc cập nhật kiến thức về công nghệ và phương pháp phân tích dữ liệu.
Tiếp theo, các đơn vị cần sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu. Bởi vì, nó có thể giúp DN khai thác thông tin từ các tập dữ liệu lớn và phức tạp. Những giải pháp này còn giúp đưa ra dự đoán và kế hoạch cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Ngoài ra, DN cần tạo ra một môi trường khuyến khích sử dụng dữ liệu, đặt nó vào trung tâm của các hoạt động kinh doanh và thúc đẩy việc chia sẻ thông tin giữa các bộ phận.
Cuối cùng, việc phát triển kỹ năng và công nghệ liên quan đến dữ liệu là một yếu tố quan trọng để giúp DN sử dụng/khai thác dữ liệu số một cách hiệu quả. DN cần phải tìm hiểu và định hướng phát triển các kỹ năng và công nghệ liên quan đến dữ liệu.
“Quan trọng nhất, người lãnh đạo cần có tư duy về việc khai thác và sử dụng dữ liệu hay nói cách khác là việc này cần làm từ trên xuống, thì DN mới có thể khai thác dữ liệu một cách hiệu quả”, ông Nam bày tỏ.
Để thúc đẩy việc phát triển dữ liệu số cho DN Việt, đối với cơ quan quản lý, ông Nam đã đưa ra một số đề xuất. Đó là việc tạo ra chính sách khuyến khích DN sử dụng dữ liệu số, bao gồm hỗ trợ tài chính, đào tạo, tư vấn về công nghệ và giải pháp phần mềm. Bởi vì, các phần mềm CĐS không đơn giản chỉ cung cấp bản quyền là sử dụng được, mà còn nhiều hàm lượng tư vấn, triển khai, chăm sóc.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần đưa ra các quy định pháp lý về quản lý và bảo vệ dữ liệu để đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật thông tin của DN.
“Thậm chí, chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tự CĐS chính cơ quan mình. Điều này không chỉ giúp làm gương cho DN noi theo, mà còn tạo ra văn hóa, hạ tầng công nghệ cho các đơn vị khác cùng CĐS”, ông Nam kết luận.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm