Thị trường hàng hóa
Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) (2018-2023), đã có hàng nghìn sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, 4 sao và 5 sao, trở thành quà tặng cấp quốc gia. Đây là kết quả rất đáng tự hào trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó trở thành động lực thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến ngày 31/12/2022, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá, phân hạng sản phẩm "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Có 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể OCOP được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.
Đặc biệt, có đến hơn 20 sản phẩm sản phẩm đánh giá đạt 5 sao, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn làm quà tặng cấp quốc gia.
Tại sao sản phẩm OCOP lại được lựa chọn làm quà tặng cấp quốc gia? Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chỉ rõ: “Vì đằng sau mỗi sản phẩm OCOP chính là câu chuyện về văn hoá của người Việt Nam được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thế hệ chúng tôi luôn có những sản phẩm thuộc về hồi ức mà hiện nay đang hiện lên với vị thế là sản phẩm OCOP, quà tặng quốc gia quốc gia. Có thể kể đến như bình gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng…”.
Nhiều sản phẩm OCOP đã vươn lên hàng tinh hoa, mang hồn cốt, đặc trưng truyền thống văn hoá của một vùng đất và cũng là hồn cốt của người Việt Nam. Đơn cử, như chuyện HTX Phìn Hồ của người Dao đỏ trên xã Thông Nguyên của tỉnh Hà Giang có chè san tuyết là sản phẩm OCOP 5 sao.
Trà san tuyết đã có từ mấy trăm năm và hoàn toàn tự nhiên, bón nhiều đạm là chết, tất nhiên năng suất không cao, mỗi vụ chỉ 20-25 kg. Trở thành sản phẩm OCOP, trà san tuyết được đánh giá đúng giá trị của nó. Càng đặc biệt hơn khi trà san tuyết được những bà cụ tuổi “xưa nay hiếm” người Dao đỏ giới thiệu, thì đằng sau đó là câu chuyện văn hóa, người tiêu dùng được nghe những câu chuyện về những cây trà san tuyết cổ thụ 200, 300 năm, được tận mắt chứng kiến những cây trà trong thực tế... Văn hóa người Dao qua đó cũng được bảo tồn, phát huy.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đang tạo “sân chơi” cho các hợp tác xã, phát triển sinh kế cho các vùng, miền và tạo ra thế cạnh tranh trong nông nghiệp. Ngoài số lượng chủ thể và sản phẩm OCOP không ngừng tăng lên, chương trình còn đạt được mục tiêu đẩy mạnh chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa các chủ thể, tăng hơn 1,85 lần so với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2018-2020.
Gần đây, một tin rất vui cho thị trường sản phẩm OCOP Việt Nam là lô hàng 7 container bánh dừa nướng của Công ty Mỹ Phương Food (Đà Nẵng) xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đây không phải là lô sản phẩm OCOP đầu tiên của Việt Nam lên tàu đi xa, thế nhưng việc được xuất khẩu quả cửa xuất khẩu chính ngạch chính là một điểm nhấn thêm cho bức tranh tăng trưởng kinh tế đất nước.
Là một cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Song song đó, chương trình còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Với mục đích và ý nghĩa lớn lao, Chương trình OCOP tuy mới triển khai song đã thực sự trở thành một giải pháp đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp xây dựng thương hiệu, gìn giữ, tôn vinh những giá trị truyền thống của sản phẩm hàng hoá tại thị trường trong nước, lan toả ra nước ngoài. Với những sản phẩm thực sự chất lượng, gắn mác 5 sao, Bộ Công Thương khẳng định sẽ giành những giải pháp hỗ trợ tốt nhất. Đây cũng là hình thức quảng bá sản phẩm, văn hoá Việt đến với bạn bè quốc tế.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm