Thị trường hàng hóa
Thủ đô là đất trăm nghề, có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Trong đó, có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Mỗi làng nghề Hà Nội mang một bản sắc riêng, là sự kết tinh sáng tạo từ bàn tay người thợ và tình yêu nghề, từ đó tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code. Đó chính là lợi thế lớn đối với Thủ đô trong việc đánh giá, phân hạng cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Đến nay, thành phố đã có 1.649 sản phẩm OCOP được công nhận, chiếm 19% số sản phẩm của cả nước (8.340 sản phẩm). Các sản phẩm OCOP của Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nhằm trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, từ đầu năm 2022, Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, gắn với văn hóa vùng miền.
Thành phố cũng tạo điều kiện để các chủ thể OCOP của Hà Nội tham gia các hội chợ do bộ, ngành trung ương và các tỉnh tổ chức như: Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022; Chương trình Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La... Tại các hội chợ này, khu gian hàng của Hà Nội đã thu hút từ 10 đến 20 nghìn lượt khách tham quan, trao đổi giao thương và mua sắm.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Mỗi sự kiện đều thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, mua sắm; Qua đó, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội và cả nước...
Không chỉ tổ chức các hoạt động giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, với lợi thế là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, không chỉ với người dân thành phố, mỗi năm Hà Nội còn đón hàng chục triệu khách du lịch, đó là thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 12,38 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là điều kiện rất thuận lợi để giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước đến với du khách trong nước và quốc tế.
Để tạo chuyển động mạnh mẽ, tích cực hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Năm 2022 và các năm tiếp theo, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội và các địa phương bạn vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, điểm bán sản phẩm OCOP.
Là Thủ đô, Hà Nội có trách nhiệm lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của cả nước. Đây cũng là việc làm thiết thực của thành phố giúp sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.
Đặc biệt, để mở rộng mạng lưới giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 55 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã. Từ đây, tạo điều kiện tốt cho người dân nhận diện và tiêu thụ sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hộ sản xuất nắm bắt nhu cầu của khách hàng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm; Mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm…
Với tinh thần "vì cả nước”, Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm