Thị trường hàng hóa
Từ tháng 4/2022, thị trường trái phiếu “lao dốc”. Khối lượng phát hành sụt giảm rõ nét khiến một trong những kênh dẫn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế bị “tắc”, từ đó khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn vì thiếu vốn.
Tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do báo Người lao động tổ chức 13/12, vấn đề trái phiếu cũng được đưa ra trao đổi.
Kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước đưa ra quan điểm nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn tín dụng ngân hàng mà còn nhiều kênh khác.
Một trong số đó là trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông Phạm Chí Quang, kênh trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lên đến 1,8 triệu tỷ đồng là kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng, mang lại nguồn vốn bền vững, ổn định, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn.
Ông Quang đã đưa ra những phân tích làm nổi bật tầm quan trọng của trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, ngành ngân hàng hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn trên 80%, 20% còn lại là vốn tự có và các nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, ngành ngân hàng đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nề kinh tế là trung và dài hạn. Điều này tạo nhiều rủi ro cho hệ thống.
Để ngân hàng thương mại thực hiện đúng chức năng của mình là cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ ngân hàng, theo ông Quang, kênh vốn trung dài hạn cho nền kinh tế phải qua thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu…
“Do đó, chúng ta có nhiều giải pháp khơi nguồn vốn trung dài hạn này, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Và kết nối giữa các nguồn này là nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, ông Phạm Chí Quang khẳng định.
Cần khẩn trương tháo gỡ
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đã đưa ra bức tranh “cài số lùi” của trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Lực cho biết lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh nghiệp bất động sản càng khó phát hành hơn.
Dù trái phiếu đang gặp khó khăn, ông Lực vẫn khẳng định: “Nhưng tôi cũng đồng ý là cần chú ý các kênh dẫn vốn khác, như trái phiếu doanh nghiệp cần khẩn trương tháo gỡ, vì đây là kênh rất quan trọng với bất động sản và các doanh nghiệp khác. Vì các ngân hàng thương mại không thể cho vay quá nhiều với bất động sản để đảo nợ”.
Ngoài ra, cần sớm sửa Nghị định 65 để tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cung là doanh nghiệp sẽ phát hành dễ thở hơn; còn cầu là các tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ mở, công ty khác… mạnh dạn đầu tư hơn vào các doanh nghiệp.
Và ông Cấn Văn Lực kiến nghị Bộ Tài chính mở hơn nữa kênh phát hành ra công chúng, để tăng tỉ lệ trong tổng giá trị phát hành lên. Như trước đây phê duyệt hồ sơ trong 60 ngày thì nay giảm xuống còn 30 hoặc 15 ngày.
Cần bỏ quy định “nhà đầu tư chuyên nghiệp”
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng đưa ra ý kiến đóng góp cho thị trường trái phiếu.
Ông Hải cho rằng Luật Chứng khoán quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp là nhà đầu tư mua trái phiếu, chứng khoán trên 30 triệu đồng là không phù hợp mà phải là người có kiến thức, có kinh nghiệm về thị trường chứng khoán.
Theo đánh giá của ông Hải, do quan niệm sai lầm như vậy nên nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả vẫn phát hành trái phiếu ra công chúng mà thiếu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.
Vì vậy, theo ông Hải, nên bỏ khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì phải có những tổ chức bảo lãnh phát hành có uy tín, có tiềm lực tài chính.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế lại cho rằng cần đánh giá thực chất vấn đề của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, và mấu chốt là niềm tin đối với các thị trường này đang suy giảm.
Do đó, cần phân tích đúng nguyên nhân đi xuống, mất niềm tin thì mới tìm ra giải pháp phục hồi và củng cố niềm tin, từ đó mới có thể tháo gỡ khó khăn đồng bộ.
“Còn nếu không tìm đúng nguyên nhân, thì những chuyển động hiện tại sẽ rất khó cho điều hành chính sách hài hòa. Cuối cùng, phải dựa trên cơ chế thị trường, tránh đưa ra những biện pháp hành chính quá mức, tránh làm méo mó thị trường, gây ra những xáo trộn không cần thiết sẽ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển doanh nghiệp và cả nền kinh tế”, TS Vũ Đình Ánh bình luận.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm