Thị trường hàng hóa
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6/2022, toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận có 1 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trị giá 100 triệu USD của Tập đoàn Vingroup và 44 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với giá trị 30.120 tỷ đồng.
Trong tháng 6 vừa qua, nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành, với giá trị 27.285 tỷ đồng, lãi suất phát hành trung bình là 5,16%/năm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành nhiều nhất, với 10.655 tỷ đồng, tiếp theo sau là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (7.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội (2.730 tỷ đồng)…
Nhóm doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai, với giá trị phát hành là 1.245 tỷ đồng, lãi suất trung bình 7,23%/năm. Trong đó, Công ty Tài Chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chiếm phần lớn giá trị phát hành với 1.000 tỷ đồng.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thị trường có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế đều của Tập đoàn Vingroup, với tổng trị giá 625 triệu USD; 17 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 8.996 tỷ đồng (chiếm 5,47% tổng giá trị phát hành) và 241 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 155.569 tỷ đồng (chiếm 94,53% tổng giá trị phát hành).
Đáng chú ý, cả giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm nay đều giảm, với mức giảm lần lượt là 6% và 33% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm nay, nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành, với tổng giá trị 80.466 tỷ đồng, tương đương 48,9% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành của nhóm này, với 62.848 tỷ đồng, chiếm 78,1%.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng vị trí thứ hai, với 42.583 tỷ đồng, chiếm 25,9% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), tiếp đến là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng)…
Hiện có một loạt doanh nghiệp đã chốt kế hoạch phát hành trái phiếu trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 3.260 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 7 đến 15 năm, lãi suất cố định hoặc thả nổi. Trong khi đó, Công ty cổ phần Fecon cũng đã phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ tối đa 150 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm./.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm