Thị trường hàng hóa
Theo Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), riêng tháng 9 sẽ là một trong những tháng có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong cả năm 2023 với khoảng 41.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn.
Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán vẫn đang kéo dài thêm qua từng ngày. Tính đến ngày 24/8/2023, có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.
Khối phân tích của VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 173.680 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Cũng trong tháng 8, có 7 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị lên tới 22.905 tỷ đồng. Con số này gần bằng với tổng giá trị phát hành của nhóm bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 (khoảng 62.512 tỷ đồng).
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Việc ngưng hiệu lực các điều khoản liên quan đến hoạt động cho vay tái cơ cấu nợ và hợp đồng hợp tác đầu tư được dư luận đánh giá cao bởi động thái này rất kịp thời và phần nào gỡ bỏ nút thắt của thị trường bằng việc cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn huy động nguồn vốn mới, từ đó giúp tăng khả năng phục hồi của nhóm ngành bất động sản nói riêng và toàn thị trường nói chung.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Hội Mội giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận xét, thực tế này cho thấy, mấu chốt của vấn đề hiện nay là doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó gặp nhau. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu chưa có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp vẫn đang phải "xoay xở" bán hàng, còn nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin nên hầu hết doanh nghiệp bất động sản vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để duy trì hoạt động.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi... nhưng hai bên vẫn khó gặp nhau. Nhiều doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của doanh nghiệp vốn đã suy yếu khi phải chịu nhiều khó khăn của thị trường.
Để doanh nghiệp bất động sản hấp thụ nguồn vốn mới, các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để. Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), VARS cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như Quỹ đầu tư bất động sản - REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản... hay một số kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).
Cùng với việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nhiều rủi ro, VARS kiến nghị, cơ quan chức năng cần có chính sách bảo vệ doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính. Nguồn vốn cần được khơi thông cho mọi ngành nghề trong nền kinh tế; trong đó có bất động sản.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm