Thị trường hàng hóa
Gần 1.000 nhà máy tại thành phố Sialkot sản xuất khoảng 30 triệu quả bóng mỗi năm. Công ty lớn nhất tại đây là Forward Sports – nơi sản xuất trái bóng Al Rihla cho World Cup 2022. Al Rihla, có nghĩa là "cuộc hành trình" trong tiếng Ả Rập, được lấy cảm hứng từ văn hóa, kiến trúc, những con thuyền và lá cờ mang tính biểu tượng của Qatar. Màu sắc tươi sáng, bắt mắt trên nền ánh ngọc trai thể hiện tinh thần quốc gia đăng cai sự kiện và biểu thị nhịp độ trận đấu ngày càng tăng.
Năm 1982, công ty Pakistan lần đầu tiên giành được hợp đồng sản xuất bóng cho FIFA World Cup được tổ chức tại Tây Ban Nha. Đối với kỳ World Cup 2018 tại Nga, khoảng 37 triệu quả bóng đã được xuất khẩu từ thành phố phía Đông Bắc Pakistan.
Ngày nay, khoảng 60.000 người - tương đương khoảng 8% dân số tại Sialkot làm việc trong ngành sản xuất bóng đá. Hơn 80% số bóng tại đây được khâu thủ công, một quy trình tốn nhiều công sức giúp bóng bền hơn và ổn định hơn về mặt khí động lực học. Đường may thủ công sâu hơn, mũi khâu có độ căng lớn hơn so với may bằng máy.
Tại nhà máy Anwar Khawaja Industries, những người thợ khâu bóng được trả khoảng 160 rupee (0,75 USD) cho mỗi quả bóng. Mỗi người mất 3 giờ để hoàn thành một sản phẩm. Với 3 quả bóng một ngày, một công nhân có thể kiếm được khoảng 9.600 rupee/tháng (117 USD). Ngay cả đối với một khu vực nghèo, số tiền này vẫn tương đối thấp. Theo ước tính của nhà nghiên cứu, mức lương đủ sống tại Sialkot là khoảng 20.000 rupee/tháng (245 USD).
Hầu hết những người khâu bóng là phụ nữ. Thông thường một buổi sáng họ có thể khâu hai quả bóng, sau đó trở về nhà nấu ăn cho con cái, rồi tiếp tục công việc ở một ngôi làng gần đó vào buổi chiều. Nam giới thường tham gia vào các giai đoạn khác của quy trình sản xuất như chuẩn bị nguyên liệu hoặc kiểm tra chất lượng. Trước khi các quy định về lao động được ban hành vào năm 1997, các nhà máy tại Sialkot từng tuyển dụng trẻ em từ 5 tuổi vào làm việc cùng với cha mẹ. Một báo cáo năm 2016 cho thấy luật cấm lao động trẻ em đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động tại địa phương.
Những trái bóng được làm từ da tổng hợp với thành phần từ cotton, polyester và polyurethane. Các nguyên liệu tạo nên da tổng hợp đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Vật liệu của Trung Quốc được sử dụng cho những quả bóng rẻ nhất, trong khi vật liệu của Hàn Quốc và Nhật Bản tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn.
Thông thường mỗi quả bóng được tạo thành từ 20 hình lục giác và 12 hình ngũ giác được nối với nhau bằng 690 mũi khâu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quả bóng được ghép lại với nhau bằng keo nóng, một quá trình được gọi là liên kết nhiệt. Những quả bóng này vẫn có chất lượng cao và chi phí sản xuất rẻ hơn, nhưng quá trình vận chuyển chúng lại đắt hơn. Và không giống bóng được khâu thủ công, bóng dán bằng keo không thể xì hơi hoặc sửa chữa.
Những trái bóng thành phẩm sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt để đáp ứng các tiêu chuẩn của FIFA. Chúng phải có độ tròn hoàn hảo để có đường bay, độ nảy và chuyển động mượt mà. Người dân trên khắp thế giới mua khoảng 40 triệu quả bóng đá mỗi năm, và doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng vọt trong thời gian diễn ra World Cup.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm