Thị trường hàng hóa
Dự Hội thảo có ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL; đại diện các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh du lịch, tổ chức du lịch, các chuyên gia tư vấn du lịch đến từ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế các ngành, các lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch, xem đây là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Du lịch Bạc Liêu tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hàng năm, lượng khách tăng trung bình 15%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%. Sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng. Năm 2024, du lịch Bạc Liêu đón khoảng 5,1 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt khoảng 4.200 tỷ đồng.
Bạc Liêu xác định, các loại hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng đến với thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến đang là xu hướng tìm kiếm của du khách.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Vũ Thăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo lần này nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đồng thời sẽ là cơ hội để du lịch Bạc Liêu tiếp thu nhiều ý kiến quan trọng của các chuyên gia tư vấn, nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch nhằm góp phần xây dựng và định hướng phát triển du lịch nông thôn.
Từ đó giúp du lịch Bạc Liêu có cách làm phù hợp, đổi mới, sáng tạo tăng và hiệu quả trong quản lý kinh doanh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bạc Liêu.
“Để có cái nhìn tổng quan về nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, đồng thời định hướng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, tại Hội thảo các chuyên gia tư vấn đã trao đổi chia sẻ về giải pháp nâng cao chuỗi giá trị du lịch nông thôn trong xây dựng mô hình du lịch cộng đồng muối thông minh;
Liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm dựa trên chuỗi giá trị trong phát triển du lịch nông thôn; các giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, phát triển kinh tế địa phương……”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Đánh giá về tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu, ông Trịnh Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông thôn trong khu vực ĐBSCL với nhiều điểm du lịch tiêu biểu, thu hút nhiều khách tham quan, trải nghiệm.
“Để phát triển tiềm năng lợi thế sẵn có, Bạc Liêu phải tạo được điểm nhấn riêng biệt trong phát triển du lịch nông thôn, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch qua đó thúc đẩy mạnh mẽ công tác phát triển du lịch nói chung cũng như du lịch nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh”.
Tại Hội thảo, doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh du lịch, tổ chức du lịch, các chuyên gia tư vấn du lịch đã có những ý kiến phát biểu, chia sẻ về việc liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm dựa trên chuỗi giá trị trong phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cũng như những giải pháp phát triển du lịch nông thôn Bạc Liêu theo hướng bền vững.
Cũng tại Hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cũng đã thông tin cơ bản về kế hoạch và công tác chuẩn bị tổ chức Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025.
Theo đó, Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” sẽ diễn ra từ ngày 6-8/3/2025 tại Bạc Liêu.
Đây là dịp tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối, nâng cao giá trị nghề muối Việt Nam nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, Festival còn đặt kỳ vọng khơi dậy tình yêu ngành nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm