Thị trường hàng hóa
TikTok hiện đang sở hữu cộng động người dùng ngày càng đa dạng trên nền tảng với sự tham gia của nhiều thế hệ, từ những người dùng trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên đến những người dùng trưởng thành như ông bà, cha mẹ.
Hiểu được điều này, TikTok tập trung chú trọng đến sự an toàn của từng nhóm đối tượng khác nhau thông qua công cụ giới hạn các tính năng theo độ tuổi, trao quyền kiểm soát nội dung cho cộng đồng và hỗ trợ gia đình với các hướng dẫn cho người giám hộ.
Dù người dùng sử dụng TikTok cho bất kì mục đích nào - tìm kiếm công thức nấu ăn, thư giãn sau một ngày làm việc, hoặc mong muốn khám phá các xu hướng mới lạ trên mục Dành cho bạn, TikTok vẫn luôn nỗ lực mang đến một trải nghiệm xem an toàn và thú vị.
Thấu hiểu tầm quan trọng của trải nghiệm người dùng, bộ Tiêu chuẩn cộng đồng chính là công cụ để TikTok có thể đặt ra giới hạn cho những gì được phép và không được phép xuất hiện trên nền tảng. Dựa vào các chính sách nghiêm ngặt này, TikTok sẽ xác định được một số danh mục nội dung nhất định mà người dùng có thể muốn bỏ qua. Chẳng hạn, một số nội dung dành cho lứa tuổi trưởng thành, phản ánh trải nghiệm cá nhân hoặc những sự kiện có thật dành cho các người xem lớn tuổi, lại không hề phù hợp với cộng đồng người dùng ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Hiểu được điều này, TikTok đang từng bước xây dựng một hệ thống mới nhằm phân loại nội dung dựa trên độ tuổi. Ngày nay, nhiều người đã quen thuộc với hệ thống phân loại tương tự trong ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình, hoặc trò chơi điện tử. Do đó, TikTok không chỉ chú trọng những yếu tố trên mà còn phát triển một giải pháp tiếp cận thích hợp ngay tại nền tảng.
Trong thời gian tới, TikTok dự kiến cho ra mắt phiên bản đầu tiên giúp ngăn chặn việc những nội dung dành cho cho người trưởng thành tiếp cận với người dùng dưới 18 tuổi. Khi TikTok phát hiện một video chứa các nội dung này, hoặc các nội dung mang sắc thái phức tạp, chẳng hạn như các cảnh hư cấu khiến người dùng thiếu niên hoảng sợ, một mức điểm đo lường mức độ nội dung người lớn sẽ được gắn vào video này, từ đó giúp loại bỏ khả năng người dùng trẻ tiếp cận với các nội dung không phù hợp với độ tuổi.
Bên cạnh việc ưu tiên bảo vệ an toàn cho lứa tuổi thanh thiếu niên, TikTok dự định sẽ bổ sung các tính năng mới nhằm cung cấp cho cộng đồng các tùy chọn nội dung chi tiết, từ đó họ có thể thoải mái thưởng thức những nội dung yêu thích trên nền tảng.
Một phần tạo nên trải nghiệm độc đáo trên TikTok là người dùng được thỏa sức khám phá những sở thích mới, kết nối với cộng đồng nhà sáng tạo và tìm kiếm ý tưởng. Mặc dù vậy, khi người dùng truy cập vào mục Dành cho bạn, họ có thể bắt gặp các video được đề xuất đến từ những nhà sáng tạo họ không muốn theo dõi hoặc liên quan đến những sở thích mà họ không muốn chia sẻ.
Do đó, TikTok đã thiết kế hệ thống đề xuất, trong đó, sự an toàn cho người dùng luôn được ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, đối với một số nội dung không đáp ứng đầy đủ điều kiện được đề xuất, người dùng có thể sử dụng tính năng "Không quan tâm" để tự động bỏ qua các nội dung tương tự trong tương lai.
Nhằm tiếp tục trao quyền cá nhân hóa các trải nghiệm trực tuyến của người dùng trên nền tảng, TikTok sẽ triển khai công cụ mới nhằm cho phép người dùng tự động lọc các video họ không muốn xuất hiện trên mục Dành cho bạn thông qua các từ khóa hoặc hashtag. Ví dụ, người dùng có thể sử dụng tính năng này khi vừa hoàn thành xong dự án nhà ở và không còn hứng thú với những nội dung liên quan đến những món đồ tự làm (DYI), hoặc khi họ chuyển sang dành nhiều sự quan tâm hơn cho các bữa ăn thuần chay thay vì các công thức nấu món mặn như trước.
TikTok luôn mong muốn mang đến những đóng góp tích cực cho cộng đồng, đồng thời thể hiện cam kết thúc đẩy môi trường số lành mạnh, từ đó giúp người dùng được trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực và bảo vệ bản thân khỏi những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực. Trong năm vừa qua, TikTok đã tiến hành thử nghiệm nhiều giải pháp nhằm tránh đề xuất các nội dung tiềm ẩn những nguy cơ gây hại nếu được lan truyền rộng rãi trên nền tảng, chẳng hạn như các video chia sẻ chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, tập thể dục quá sức, tâm trạng buồn bã, hay các chủ đề liên quan đến sức khỏe tinh thần và thể chất khác. Đồng thời, TikTok cũng thử nghiệm các phương pháp để nhận biết hệ thống có đang vô tình đề xuất phạm vi nội dung hẹp hơn cho người dùng.
Các kết quả thử nghiệm được tiến hành lặp lại ở Mỹ đã cho thấy những nỗ lực của TikTok trong việc cải thiện trải nghiệm xem của người dùng, từ đó giúp họ ít phải bắt gặp những video có nội dung nói trên trong cùng một lúc. Ngoài ra, nền tảng vẫn tiếp tục thực hiện các thử nghiệm này trên những nội dung mang sắc thái tương tự nhau. Ví dụ, đối với các video liên quan đến chứng rối loạn ăn uống, TikTok nhận thấy có những video mang tính khích lệ nhưng cũng có những video có sắc thái tiêu cực. Do đó, TikTok đang không ngừng đào tạo các ngôn ngữ mới cho hệ thống, từ đó mở rộng các thử nghiệm này tại các thị trường khác trong thời gian tới. Mục tiêu của TikTok là giới thiệu trên mục Dành cho bạn nhiều nội dung, nhiều nhà sáng tạo và các chủ đề mà người dùng yêu thích.
Trong quá trình xây dựng và cải thiện hệ thống, TikTok vinh dự khi được góp phần chung tay giải quyết những thách thức dài hạn của toàn ngành về việc xây dựng hệ thống đề xuất nội dung phù hợp cho từng đối tượng người xem.
TikTok cũng thừa nhận quá trình phấn đấu để đạt được mục tiêu sẽ còn nhiều khó khăn, do đó việc gặp phải những sai sót là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với mục tiêu trọng tâm là tạo nên những trải nghiệm an toàn và thú vị nhất cho người dùng, TikTok sẽ không ngừng lắng nghe các phản hồi góp ý từ chính cộng đồng và liên tục tham khảo ý kiến đến từ các chuyên gia và các tổ chức uy tín trong ngành.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN