Thị trường hàng hóa
Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, nước này đã thêm 7 thực thể có liên quan tới Trung Quốc, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phát triển chíp điện tử và chương trình hàng không vũ trụ, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu do lo ngại về an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao. Với quyết định này, Mỹ đã nâng số lượng thực thể Trung Quốc nằm trong danh sách đen trừng phạt lên khoảng 600.
Các thực thể này bao gồm: Viện nghiên cứu 771 và 772, thuộc Học viện 9 của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC); Viện nghiên cứu 502 và 513 của Học viện Công nghệ Không gian Trung Quốc (CAST); Viện Nghiên cứu 43 và 58 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC); Zhuhai Orbita Control Systems. Theo đó, các công ty của Mỹ sẽ cần phải nhận được giấy phép xuất khẩu nếu muốn bán sản phẩm cho 7 công ty này, vốn bị cáo buộc hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
Trong đó, Viện nghiên cứu 771 (có tên khác là Viện Công nghệ Vi điện tử Tây An, chuyên thiết kế và sản xuất các mạch tích hợp bán dẫn. Đây là viện thiết kế bộ vi xử lý trung tâm cho tên lửa Trường Chinh 5 và phát triển các hệ thống máy tính được sử dụng trong các sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Ngoài ra, danh sách trừng phạt lần này còn có Viện nghiên cứu 772, còn được gọi là Viện Công nghệ Vi điện tử Bắc Kinh, chuyên phát triển các linh kiện điện tử quy mô quân sự, bao gồm cả chip vi tính. Washington cáo buộc các thực thể trong danh sách này có những hoạt động chống lại an ninh quốc gia và các lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Hồi cuối tháng 6, Mỹ cũng thêm 5 công ty Mỹ vào "danh sách đen” thương mại do những doanh nghiệp này cung cấp hàng hóa cho các thực thể của Nga. Khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng thêm 31 thực thể khác vào danh sách này, bao gồm đến từ Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Lithuania, Pakistan, Singapore, Anh…
Phản ứng trước động thái của Mỹ, ông Triệu Lập Kiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối và kêu gọi Nhà Trắng gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cam kết bảo vệ lợi ích và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nước nhà.
Thời gian qua, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nhiều lần chỉ trích việc Mỹ áp dụng việc kiểm soát xuất khẩu, đơn phương kiềm chế các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nước ngoài, gây gây khó khăn cho hoạt động kinh tế và thương mại bình thường giữa các doanh nghiệp hai bên. Động thái lần này của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai bên đang leo thang do Mỹ vẫn duy trì hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Trong tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật một dự luật hàng tỷ USD nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước cũng như các ngành chế tạo công nghệ cao khác mà giới chức Mỹ lo ngại đang bị thống trị bởi Trung Quốc. Đạo luật mang tên "Chíp và Khoa học", bao gồm khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn – vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ô tô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ và trò chơi điện tử.
Đạo luật cũng bao gồm một khoản tín dụng thuế đầu tư cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỷ USD. Ngoài ra, đạo luật cũng sẽ “rót” 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN