Thị trường hàng hóa
Sau đêm nóng nhất ở Anh được ghi nhận vào thứ Hai (18/7), Met Office cho biết kỷ lục nhiệt độ mới cũng đã được xác lập ở nước này là 40,3 độ C, được ghi nhận vào thứ Ba tại Coningsby, miền đông nước Anh.
Thậm chí, ít nhất 34 địa điểm ở Anh đã đánh bại kỷ lục 38,7 độ C mà nước này từng ghi nhất trước đây ở Cambridge, miền đông nước Anh, vào năm 2019. Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến nhiệt độ tăng vọt và cảnh báo rằng điều tồi tệ hơn vẫn chưa xảy ra.
Các đợt nắng nóng "đang trở nên thường xuyên hơn và xu hướng tiêu cực này sẽ tiếp tục... ít nhất là cho đến những năm 2060, ngay cả khi chúng ta thành công trong các nỗ lực giảm nhẹ khí hậu", người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc Petteri Taalas nói với các phóng viên ở Geneva, Thụy Sỹ.
"Trong tương lai, những loại sóng nhiệt này sẽ trở nên bình thường, và chúng ta sẽ thấy những hiện tượng cực đoan thậm chí còn mạnh hơn", ông đánh giá thêm.
Nhiệt độ cao đã gây ra tình trạng báo động đỏ chưa từng có ở phần lớn nước Anh, nơi một số tuyến đường sắt phải tạm dừng để đề phòng tai nạn và các trường học ở một số khu vực cũng phải đóng cửa.
Với tình trạng mặt đường và đường băng bị nóng chảy và lo ngại đường ray bị vênh, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps thừa nhận phần lớn cơ sở hạ tầng của Anh "không được xây dựng cho nhiệt độ này".
Tại Pháp, 64 khu vực khác nhau đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục vào thứ Hai, hầu hết đều nằm dọc theo bờ biển phía tây Đại Tây Dương, nơi nhiệt độ tăng vọt trên 40 độ C. Tuy nhiên, mức cao nhất mọi thời đại ở Pháp, được thiết lập vào năm 2019 gần Montpellier, là 46 độ C, vẫn chưa bị đe dọa trong tuần này.
Đợt nắng nóng - đợt thứ hai nhấn chìm các khu vực của châu Âu trong những tuần gần đây - đã góp phần gây ra các vụ cháy rừng chết người ở Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, phá hủy những vùng đất rộng lớn.
Lực lượng cứu hỏa ở miền tây nam nước Pháp vẫn đang vật lộn để kiềm chế hai đám cháy lớn gây tàn phá trên diện rộng và buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Gần 1.700 lính cứu hỏa từ khắp nơi trên đất nước đang chiến đấu với hai ngọn lửa đã thiêu rụi hơn 19.000 ha rừng gần Dune du Pilat, cồn cát lớn nhất châu Âu.
Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đến thăm khu vực bị hỏa hoạn vào thứ Tư. "Thật đau lòng. Về mặt kinh tế, nó sẽ rất khó khăn... bởi vì chúng tôi là một thị trấn du lịch," Patrick Davet, thị trưởng La Teste-de-Buch, nói.
Trong một diễn biến khác, Hà Lan đã ghi nhận nhiệt độ cao thứ ba trong lịch sử - 39,4 độ C ở thành phố Maastricht, miền nam nước này, đài truyền hình công cộng NOA cho biết, trích dẫn văn phòng khí tượng quốc gia.
Nhà chức trách Hà Lan đã phải rải muối lên đường đi ở một số khu vực để ngăn nhựa đường tan chảy và bị hư hại do sức nặng của các phương tiện giao thông.
Tại Amsterdam, các nhân viên đã phun nước lên những cây cầu để giữ cho chúng mát mẻ, trong bối cảnh lo ngại rằng thép trong cấu trúc có thể nở ra và ngăn chúng mở ra để cho tàu thuyền đi qua.
Các bãi đậu xe tại bãi biển ở Scheveningen, gần La Hay (Den Haag) đã kín chỗ vào giữa trưa, và hàng trăm người đi biển trú ẩn dưới bến tàu để tránh nắng. "Nó giống như một kỳ nghỉ ở Mallorca", du khách Na Uy Ane Herber, 25 tuổi, nói.
Ở nước láng giềng Bỉ, các bảo tàng lớn ở Brussels đã miễn phí vào cửa cho những người trên 65 tuổi để giúp họ tránh nóng. Hai lò phản ứng hạt nhân đặt gần Antwerp đã phải giảm hơn một nửa công suất sản xuất để hạn chế nhiệt độ nước thải ra các con sông gần đó.
Ở Đức, mùa hè nóng nực cho đến nay đã làm dấy lên lo ngại về hạn hán, khiến chủ tịch Hiệp hội Nông dân Đức phải đưa ra cảnh báo về "những thiệt hại lớn" trong sản xuất lương thực.
Henning Christ, người trồng lúa mì và các loại cây khác ở bang Brandenburg, nói với AFP rằng trang trại của anh có sản lượng thấp hơn 20% năng suất trung bình hàng năm. Ông nói: “Chúng tôi hầu như không có mưa trong nhiều tháng, cùng với nhiệt độ cao... Thời tiết năm nay rất bất thường".
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN