Thị trường hàng hóa
Nón ngựa Phú Gia là một sản phẩm thủ công truyền thống, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm. Nghề chằm nón ngựa đã và đang được người dân xã Cát Tường, huyện Phù Cát duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam, trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định, sản phẩm của làng nghề đã có mặt trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, trong thời gian tới, huyện quyết tâm triển khai thành công Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị của nghề chằm nón ngựa Phú Gia.
Cụ thể, huyện tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất phát triển theo hướng liên kết, tạo sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Tôn vinh các nghệ nhân, người nắm giữ di sản có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Hình thành khu trưng bày, khu trình diễn nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm; đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch. Thành lập tổ hợp tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng trang thông tin điện tử làng nghề.
Các giải pháp trên nhằm góp phần tạo động lực để những người ở làng nghề nón ngựa Phú Gia an tâm giữ nghề, giữ nét tinh hoa văn hóa của cha ông, nét truyền thống văn hóa riêng có, mang đậm bản sắc văn hóa người Phù Cát - Bình Định.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, qua đó khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề.
Tôn vinh, biểu dương cộng đồng dân cư và các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây vừa là niềm vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Cát nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
Để nghề chằm nón ngựa Phú Gia trường tồn trong dòng chảy văn hóa dân tộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị huyện Phù Cát cần có quy hoạch tổng thể, chi tiết, lưu ý đến các thiết chế truyền thống và không gian sử dụng nón ngựa để gắn giữ gìn bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế và du lịch.
Cùng với đó là xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ nhân.
Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ thể di sản, nhân dân.
“Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy, đẩy mạnh kết nối đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để xây dựng tour, tuyến phục vụ nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế hướng đến mục tiêu xây dựng du lịch làng nghề nón ngựa Phú Gia là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh”, ông Lâm Hải Giang yêu cầu.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm