Thị trường hàng hóa
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký ban hành Quyết định số 1180/QĐ-BVHTTDL, đưa nghề làm bánh chưng, bánh giầy TP Việt Trì, huyện Cẩm Khê, Tam Nông của tỉnh Phú Thọ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bánh chưng, bánh giầy là loại bánh tượng trưng cho “Trời tròn - Đất vuông” gắn với tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt. Hai loại bánh này được gắn với câu truyện huyền sử về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh giầy vẫn được dân tộc Việt Nam gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị và được dâng lên thờ cúng tổ tiên.
Không gian văn hóa của tục làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ trải dài từ nơi bánh chưng, bánh giầy được sinh ra là Dữu Lâu đến Hùng Lô, làng Mộ Chu Hạ (nay thuộc TP Việt Trì), làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) và các vùng khác.
Bánh chưng, bánh giầy được người Việt ở muôn phương làm nhưng ở Phú Thọ tục làm bánh chưng, bánh giầy trở thành truyền thống văn hóa, phong tục tập quán không thể thiếu trong các ngày lễ tết, trở thành lễ hội truyền thống, nghi thức riêng biệt mà không nơi nào có được.
Từ các cuộc thi trong lễ hội làm lễ vật dâng các vị Vua Hùng, dâng Mẫu, dâng các vị thần… bánh chưng, bánh giầy được cộng đồng người dân ở Phú Thọ nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung gìn giữ bảo tồn và lan tỏa, phát triển thành nghề truyền thống.
Hàng năm, tại Lễ hội Đền Hùng, hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy đã thu hút các nghệ nhân của 13 huyện, thành, thị trong toàn tỉnh. Từ các cuộc thi trong lễ hội, những thành phẩm tiêu biểu được chọn làm lễ vật dâng các vị Vua Hùng, dâng Mẫu, dâng các vị thần… nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, khơi gợi niềm tự hào lịch sử, hiếu kính với tổ tiên...
Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Theo thể lệ của Ban tổ chức, đội giành giải nhất cuộc thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy năm trước được làm bánh chưng, bánh giầy để dâng cúng lên các Vua Hùng trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm sau.
Bánh chưng, bánh giầy cũng trở thành sản phẩm đặc trưng, có ý nghĩa để du khách làm quà tặng người thân, gia đình khi hành hương về cội nguồn. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của di sản văn hóa thời Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm