Thị trường hàng hóa
Xuất khẩu được đánh giá là điểm sáng của kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022. Theo đó, tờ VOV có bài: “Dấu ấn xuất siêu 3,96 tỷ USD trong 8 tháng”
Theo phản ánh của bài báo, xuất khẩu 8 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao, số mặt hàng xuất khẩu tỷ USD giữ vững đà tăng trưởng cho thấy dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 8 tháng đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái và kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4%.
Tính chung 8 tháng Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD.
Báo Đầu tư ngày 5/9 có bài: “Cà phê Việt Nam được giá xuất khẩu, 8 tháng thu về hơn 2,8 tỷ USD”.
Bài báo cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 8/2022 đạt 110.000 tấn, trị giá 257 triệu USD, giảm 6,2% về lượng, nhưng tăng 9,0% về trị giá so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 2,82 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ vượt mức 3,07 tỷ USD thực hiện trong cả năm ngoái.
Giá xuất khẩu cà phê đã tăng đáng kể từ đầu năm tới nay. Do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê cả trong nước và thị trường thế giới đều tăng lên mức kỷ lục. Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.336 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 7/2022 và tăng 16,1% so với tháng 8/2021.
8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.268 USD/tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ ở mức cao, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Cũng liên quan đến vấn đề xuất khẩu, tờ Diễn đàn doanh nghiệp đưa thông tin: “Xuất khẩu thuỷ sản, tận dụng lợi thế logistisc vào thị trường Trung Quốc”
Theo bài báo, mặc dù EU và Hoa Kỳ là các thị trường chiếm tỉ trọng lớn với giá tốt cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng sức tiêu thụ các khu vực này đang bị tác động bởi lạm phát. Ngoài ra, chi phí logistics quá cao khiến cho thủy sản từ Việt Nam vào Hoa Kỳ, EU đang bị cạnh tranh gay gắt về giá cả so với Ecuador và Ấn Độ.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta dẫn chứng với mặt hàng tôm. Một container 40 feet xuất đi Hoa Kỳ đang gánh 20.000 USD chi phí logistics, trong khi từ Ecuador sang Hoa Kỳ chỉ khoảng 5.000 USD. Như vậy, mỗi container 15 tấn họ giảm được 15.000 USD chi phí giá thành thì giá tôm của họ đã rẻ hơn chúng ta 1 USD/kg, ông Lực đánh giá và cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung phải khai thác lợi thế chi phí logistics với thị trường Trung Quốc.
Thực tế kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh nhất so với các thị trường khác. 7 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai với hơn 934 triệu USD, tăng xấp xỉ 81% so với cùng kỳ 2021.
Đặc biệt, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, dư địa vào thị trường Trung Quốc còn rộng vì đây vừa là thị trường đông dân nhất thế giới đồng thời cũng có nhu cầu nhập nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, tờ Tuổi trẻ có bài: “Xăng được bung hàng, tăng chiết khấu”
Bài báo phân tích, giá xăng dầu thế giới đã khiến tình hình thiếu xăng một số nơi đột ngột chuyển hướng. Cụ thể, giá xăng thành phẩm ở Singapore những ngày gần đây giảm khiến giới kinh doanh lo ngại giá trong nước sẽ giảm theo. Vì vậy, sau hơn một tuần "nghẹt thở", những ngày nghỉ cuối tuần của lễ 2-9, một số đầu mối, chủ yếu ở phía Nam, bắt đầu bung hàng, tăng chiết khấu với xăng.
Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.Hồ Chí Minh xác nhận việc các đầu mối bung hàng ra không phải vì sức ép từ các đoàn kiểm tra, mà chủ yếu do giá thế giới có xu hướng giảm. Tuy vậy, do rơi vào kỳ nghỉ lễ và cuối tuần nên các giao dịch không nhiều. Dự kiến, giao dịch xăng dầu nhộn nhịp trở lại vào ngày 5-9 do các đại lý có nhu cầu nhập hàng và tranh thủ mức chiết khấu đang được cải thiện.
Theo tính toán của một thương nhân kinh doanh xăng dầu, hiện nay xăng đang bắt đầu có lời chút ít nên các đại lý xả hàng. Tuy nhiên, với dầu vẫn lỗ khoảng 2.000 đồng/lít. Cộng thêm cước vận chuyển, chi phí khác, nên giá dầu ngày 5-9 có tăng 2.500 đồng/lít cũng chưa đủ bù đắp chi phí.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm