Thị trường hàng hóa
Phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Phi nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu cà phê sang khối thị trường này.
Sự kiện sẽ được tổ chức trực tiếp tại Đắk Lắk - nơi được xem là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam, kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, tại phiên tư vấn, các chuyên gia, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Algeria, Ai Cập, Maroc và Nigeria sẽ giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến xuất nhập khẩu sản phẩm cà phê với thị trường châu Phi như: Nhu cầu thị trường, yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu...
Với lợi thế địa lý có diện tích rộng trên 30 triệu km2, dân số trên 1,4 tỷ người và nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng, châu Phi thực sự là thị trường đa dạng cơ hội cho hàng hoá Việt Nam.
Với mặt hàng cà phê, châu Phi có nhu cầu lớn, hàng năm, thị trường này dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính. Ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm tại khu vực này.
Tuy nhiên, để xuất khẩu cà phê sang châu Phi, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như vấn đề vận chuyển và bảo quản hàng phù hợp để di chuyển qua chặng đường xa, nhiều thủ tục, luật lệ trong thương mại của hầu hết quốc gia châu Phi còn chưa phát triển như các thị trường ở châu Âu, châu Mỹ. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, tìm ra những mặt hàng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu mà còn giải quyết được các bài toán liên quan đến các khâu logistics cho hàng thực phẩm.
Vì vậy, khi làm ăn tại thị trường châu Phi, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ tập quán kinh doanh của thị trường cũng như các quy định pháp lý để tránh rủi ro.
Tình trạng lừa đảo ở các nước châu Phi khá phổ biến như thông qua hình thức đấu thầu, đối tượng dễ đồng ý mua hàng Việt Nam với giá cao, đề nghị gửi tiền để lo thủ tục, hoặc đối tượng chào bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với giá thấp, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc… sau khi nhận được tiền từ doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng sẽ đóng website và bỏ trốn…
Tham dự phiên tư vấn chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia thị trường, từ đó tránh được những rủi ro đáng tiếc khi xuất khẩu cà phê sang thị trường các nước châu Phi.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm