Thị trường hàng hóa
Cà phê là một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, và được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường EU, Mỹ, Đông Nam Á. Ngành này đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Quý I/2022, cà phê đã bứt tốc với mức tăng trưởng trên 60%, mang về giá trị xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD.
Riêng với thị trường EU, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA, xuất khẩu cà phê sang các thị trường đối tác đang có tín hiệu khởi sắc ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi. Trong đó, 5 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê sang EU tăng 43,2%, đạt 0,78 tỷ USD. Hiện, Đức là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt hơn 47 ngàn tấn. Tiếp theo là thị trường Bỉ, Italy, chiếm lần lượt gần 10% và 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra dự báo, thị trường xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA. Các mặt hàng nông sản, đặc biệt cà phê sẽ là mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022, nhất là khi các nước châu Âu như Đức, Bỉ, Italy đang ngày càng ưa chuộng cà phê Việt Nam.
Bên cạnh đó, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, nên Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu, nhờ lợi thế về thuế suất thuế xuất khẩu và nguồn cung cà phê chất lượng cao gia tăng. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong đó có cà phê, đây chính là lợi thế quan trọng để nâng cà phê Việt Nam chinh phục các thị trường đầy tiềm năng của EU.
Đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có thời gian thích nghi với các cam kết tại EVFTA, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ. Sự chuyển biến này sẽ là cơ sở, tiền đề để ngành cà phê Việt Nam xây dựng thương hiệu và mở rộng thị phần tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, muốn nhanh chóng tận dụng cơ hội từ EVFTA, đẩy nhanh quá trình đưa hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập vào các quốc gia thành viên EU với yêu cầu khắt khe bậc nhất thế giới, cũng như gia tăng tín nhiệm để đến với các thị trường khó tính khác, trước mắt ngành cà phê còn rất nhiều việc phải làm.
Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các khuyến nghị cho rằng, ngành cà phê được khuyến nghị cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, truy xuất nguồn gốc, số hóa từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn. Ngoài ra, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển, cũng như sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm khách hàng của các ngân hàng EU.
EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 16% thị phần. Với nhu cầu ngày càng cao, cà phê Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại thị trường EU. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm