Thị trường hàng hóa
Vào đầu tuần, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng giá trước kỳ vọng nhu cầu sẽ sớm bùng nổ, đặc biệt là trên thị trường nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc, trong khi thời tiết mùa đông không quá lạnh tại khu vực châu Âu làm giảm nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên và gây sức ép tới giá. Dầu WTI gần như lấy lại giá trị đã đánh mất trong tuần trước đó, tăng 8,26% trong tuần qua, đạt mức 79,86 USD/thùng. Đây cũng là mức tăng hàng tuần lớn nhất trong vòng 3 tháng. Dầu Brent tăng 8,54% lên mức 85,28 USD/thùng.
Bước sang ngày 17/1, sắc đỏ quay trở lại thị trường dầu trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá dầu thô WTI giảm 1,38% về 78,76 USD/thùng, và giá dầu thô Brent giảm 0,96% về 84,46 USD/thùng.
Sức ép bán gia tăng dù không có tin tức nào đặc biệt tiêu cực về mặt cung cầu. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tâm lý chốt lời đang xuất hiện sau chuỗi tăng giá mạnh của tuần trước. Bên cạnh đó, đồng USD cũng đang có dấu hiệu tăng trở lại và khiến cho chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô trở nên đắt đỏ hơn. Chỉ số Dollar Index dù đóng cửa ở mức 102 điểm, nhưng đã nhiều lần vượt vùng này trong hôm qua và gây áp lực lên giá dầu. Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang ở gần mức cao nhất trong vòng một tháng và hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định đà tăng của giá sẽ dừng lại.
Ngày 18/1, giá dầu tiếp tục xu hướng tăng sau khi loạt dữ liệu tích cực hơn dự kiến của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, và sau Báo cáo thị trường dầu thô thế giới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Dầu WTI ghi nhận mức tăng 0,4% lên 80,18 USD/thùng. Dầu Brent chốt tại 85,92 USD/thùng, tăng 1,73%.
Ngày 19/1, thị trường giữ được sắc xanh trong phần lớn thời gian của ngày 18/1 khi mà các nhà đầu tư đều giữ kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới. Đà tăng càng được củng cố, khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố báo cáo tháng 1.
Mặc dù, báo cáo cho thấy thị trường dầu có thể ở trong trạng thái thặng dư trong quý I của năm nay, bất chấp nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin này không gây quá nhiều sức ép lên giá bởi IEA cũng có cùng quan điểm với hai tổ chức lớn khác là Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), nên phần lớn các yếu tố tiêu cực đã phản ánh vào giá trước đó.
Đà tăng được thúc đẩy bởi những lo ngại về việc thị trường sẽ chuyển sang trạng thái thắt chặt trong nửa cuối năm nay, khi mà nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi mạnh mẽ ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Cụ thể, nhu cầu dầu toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, lên mức kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 100.000 thùng/ngày so với báo cáo trước. Nhiên liệu máy bay vẫn là nguồn tăng trưởng lớn nhất, tăng 840.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, tăng trưởng nguồn cung dầu thế giới vào năm 2023 dự kiến sẽ chậm lại ở mức 1 triệu thùng/ngày. IEA cho biết cán cân cung cầu sẽ bị thắt chặt khi sản lượng của Nga giảm gần 870.000 thùng/ngày vì các lệnh cấm vận.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/01, giá dầu quay trở lại với đà tăng sau một phiên giảm điều chỉnh, khi các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan về bức tranh nhu cầu tiêu thụ. Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mặc dù cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng trong tuần qua, nhưng các dữ liệu khác cũng phản ánh nhu cầu có dấu hiệu khởi sắc, đã tiếp tục hỗ trợ cho giá. Dầu WTI tăng 1,02% lên 80,6 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,39% lên 86,16 USD/thùng.
Mặc dù nhu cầu đang là điểm sáng, đặc biệt là trên thị trường Trung Quốc, song về phía nguồn cung, các yếu tố vẫn còn khó đoán định. Bất chấp sự thúc đẩy của một số nước châu Âu nhằm siết chặt doanh thu từ dầu mỏ Nga hơn nữa, chính quyền Biden có xu hướng phản đối bất kỳ động thái nào nhằm hạ thấp giới hạn giá xuất khẩu dầu thô của Nga. Liên minh châu Âu EU đã đồng ý xem xét lại mức trần giá hai tháng một lần, bắt đầu từ giữa tháng Giêng, với mục đích giữ ngưỡng thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường trung bình. Tuy nhiên, lo ngại giá dầu tăng có thể kéo theo lạm phát, nhất là khi nhu cầu tại Trung Quốc có thể bùng nổ, khiến mức trần giá khó có thể thấp hơn. Mặc dù vậy, giới hạn giá đối với các sản phẩm dầu từ Nga vào đầu tháng 2 tới đây có thể sẽ làm phức tạp hơn dòng chảy thương mại.
Mặc dù suy yếu sau khi mở cửa phiên hôm qua, nhưng giá ngô đã bật tăng mạnh mẽ trở lại trong phiên tối ngày 18/1 với sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ. Một mặt, việc nguồn cung từ Brazil được mở rộng trong tháng này đã gây sức ép lên giá. Mặc khác, triển vọng tích cực của hoạt động xuất khẩu của Mỹ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ đối với giá. Giá ngô đóng cửa phiên với mức tăng 1,52%, qua đó ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), nước này đã xuất khẩu 2,94 triệu tấn ngô chỉ trong 2 tuần đầu của tháng này, vượt qua con số 2,73 triệu tấn được ghi nhận cho cả tháng 01 năm ngoái, trong bối cảnh nguồn cung từ Brazil đang rất dồi dào sau vụ mùa bội thu và nhu cầu nhập khẩu ngô quốc tế tăng mạnh. Khối lượng xuất khẩu ngô hàng ngày của Brazil trong 2 tuần đầu tháng này đạt 294.800 tấn, tăng hơn gấp đôi so với mức 130.000 tấn/ngày của cả tháng 01/2022. Điều này càng củng cố thêm cho dự báo của Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) rằng nước này sẽ xuất khẩu mức kỷ lục 5 triệu tấn ngô trong tháng 01. Đây là thông tin đã gây áp lực khiến giá ngô suy yếu trong phiên sáng hôm qua.
Ở chiều ngược lại, giá ngô nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ bởi triển vọng xuất khẩu tích cực của Mỹ. Báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales) tối qua của USDA cho biết, Mỹ đã bán đơn hàng 150.000 tấn ngô niên vụ 22/23 cho Colombia. Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), nước này đã giao 774.461 tấn ngô trong tuần 06/01-12/01, tăng 92,33% so với tuần trước đó, đồng thời cũng vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/01, các mặt hàng kim loại quý đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi lực mua trên thị trường kim loại cơ bản đa phần cũng đang có dấu hiệu chững lại. Nhóm kim loại quý chứng kiến đà giảm 1,75% xuống 23,64 USD/ounce của giá bạc, và mức giảm 0,31%, chốt phiên tại 1043, 7 USD/ounce của bạch kim.
Tình hình lạm phát của khu vực châu Âu tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 12, với chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng chậm lại ở mức 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 10,1% vào tháng 11. Thông tin này đã kéo đồng Euro giảm mạnh do niềm tin vào sự giảm tốc trong tiến trình thắt chặt tiền tệ của khu vực này, từ đó hỗ trợ cho đồng USD phục hồi và tạo áp lực bán đối với kim loại quý vàng, bạc và bạch kim do chi phí nắm giữ bớt đắt đỏ hơn. Trong khi đó, một loạt dữ liệu kinh tế mới của Mỹ được công bố đang làm dấy lên lo ngại về bức tranh tăng trưởng trong bối cảnh chi phí vay tăng cao, cũng khiến kim loại quý biến động mạnh.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá sản xuất PPI tháng 12 giảm 0,5% so với tháng trước đó, củng cố cho niềm tin lãi suất sẽ tăng chậm lại trong giai đoạn tới. Đồng Dollar Mỹ suy yếu ngay sau dữ liệu này và hỗ trợ cho đà phục hồi nhẹ của bạc và bạch kim. Tuy nhiên, đà tăng không giữ được quá lâu do dữ liệu doanh số bán lẻ ghi nhận mức giảm 1,1% trong tháng 12 so với tháng trước, nhiều hơn so với kỳ vọng giảm 0.8% và là mức giảm mạnh nhất trong vòng một năm. Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard và Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải tăng lãi suất vượt quá 5% để đưa lạm phát về vùng mục tiêu. Các tin tức này không chỉ kéo giá kim loại quý suy yếu, mà còn khiến đà tăng của nhóm kim loại cơ bản có dấu hiệu chững lại.
Cụ thể, giá đồng COMEX mở cửa phiên với lực mua khá mạnh, khi triển vọng nhu cầu tích cực tại Trung Quốc vẫn là động lực chính, trong khi nguồn cung tương đối eo hẹp. Các kho ngoại quan đã đăng ký với Sở LME, COMEX và Thượng Hải chứa khoảng 285.000 tấn đồng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trước đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, sản lượng đồng tại công ty khai thác Antofagasta của Chile giảm 10,4% vào năm 2022. Một số mỏ đồng khác tại hai quốc gia lớn là Chile và Peru cũng gặp một vài gián đoạn nhất định. Điều đó thúc đẩy giá đồng tiếp tục tăng. Tuy nhiên, với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh sau dữ liệu doanh số bán lẻ tiêu cực của Mỹ, hạn chế mức tăng chỉ còn 0,27% so với phiên trước, đạt mức 4,23 USD/pound, thấp hơn mức đỉnh 4,35 USD/pound đạt được trong ngày.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/01, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục ghi nhận sự phân hóa giữa sắc xanh và đỏ. Đáng chú ý khi Arabica quay đầu tăng mạnh sau phiên điều chỉnh giảm nhẹ trước đó.
Sau phiên điều chỉnh hôm trước, giá Arabica đã quay trở lại đà tăng trong phiên hôm qua với mức tăng gần 3% dù cho triển vọng nguồn cung vẫn tích cực tại Brazil. Theo thông thường khi mưa tốt, ủng hộ cho sự phát triển của cây trồng sẽ kéo theo sản lượng tốt, từ đó gây sức ép khiến giá giảm, tuy vậy bất chấp triển vọng nguồn cung vẫn diễn biến tốt tại Brazil, quốc giá xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới trong thời gian gần đây, giá mặt hàng này vẫn nhanh chóng quay lại đà tăng sau phiên điều chỉnh trước đó.
Robusta cũng ghi nhận sự tăng nhẹ 0,37% trong phiên hôm qua khi nông dân Việt Nam giảm dần hoạt động bán hàng khi tết nguyên đán cận kề. Thời điểm tết đến, người nông dân tại Việt Nam thường gác lại công việc để chuẩn bị đón tết, hoạt động bán hàng trở nên vắng lặng hơn, trong khi đây là quốc gia cung ứng hàng đầu đang có sẵn hàng. Chính điều này đã hỗ trợ giá khởi sắc trở lại.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 19/1, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục giảm nhẹ khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Giá cà phê được thu mua trong khoảng 40.300 – 40.900 đồng/kg.
Theo Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu năm mới, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 91,9 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch hơn 202,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 01 năm nay đã giảm tương đối mạnh 20% về lượng và 18% về giá trị.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm