Thị trường hàng hóa
Câu chuyện đổi mới của lãnh đạo Mastercard
Khi Ajay Banga đảm nhận vị trí Giám đốc Điều hành của Mastercard vào năm 2010, ông biết rằng giai đoạn "chững lại" của ngành thanh toán sắp xảy ra. Nhưng thay vì cạnh tranh để giành thị phần 15% thanh toán toàn cầu vốn đã được điện tử hóa, ông quyết định tập trung vào 85% thị phần truyền thống được thực hiện bằng tiền mặt và các giao dịch séc.
Đối với ông, giải pháp tài chính toàn diện (financial inclusion) cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, đối tượng vốn không được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thống, vừa là “mệnh lệnh” kinh doanh vừa là trách nhiệm xã hội. Sự thôi thúc này khơi gợi Ajay Banga những tư duy và hành vi mới xoay quanh nguồn lực là doanh nghiệp, khách hàng, thị trường, công nghệ và chính phủ.
Để thực hiện đổi mới nhằm phục vụ một lượng khách hàng ngày càng đa dạng, nhân viên của Mastercard cần phát triển và đa dạng hóa giá trị cốt lõi, đồng thời xây dựng các chiến lược kinh doanh mới. Vào thời điểm đó, “đổi mới” được xếp hạng đứng thứ thứ 26 trong số 27 yếu tố quan trọng đối với sự thành công trong tương lai của Mastercard.
Chính vì vậy, Banga đã giao nhiệm vụ cho Garry Lyons, người quản lý thuộc cấp, truyền tải văn hóa của Mastercard gắn liền với sự đổi mới. Với khoản đầu tư và ngân sách tài chính phù hợp, Lyons đã chấp nhận cơ hội trở thành vị trí mà Banga mô tả là “chất xúc tác của sự thay đổi”.
Để tạo ra sự thay đổi đó, Lyons đã phát triển Mastercard Labs (dành riêng cho việc đưa các giải pháp thanh toán sáng tạo ra thị trường với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết), một mạng lưới R&D toàn cầu được thiết kế để giới thiệu cho nhân viên, khách hàng và các bên liên quan.
Theo cách nói của Lyons, sự đổi mới là “nghệ thuật của những điều có thể”. Trong suốt 10 năm nhiệm kỳ của Banga, Mastercard Labs là công cụ thúc đẩy sự chuyển đổi của công ty từ một hiệp hội phi lợi nhuận gồm các ngân hàng thành một công ty công nghệ toàn cầu độc lập trong lĩnh vực thanh toán.
Tuy nhiên, những thách thức của Lyons không phải lãnh đạo nào cũng sẵn sàng đối diện. Nhiều lãnh đạo miễn cưỡng khi bước vào vai trò đầy thách thức trước sự biến động liên tục của thị trường, những áp lực của chủ nghĩa ngắn hạn và sức ì của tổ chức phát sinh từ tuổi tác và quy mô, đặc biệt là những thách thức trong đổi mới cảm xúc và trí tuệ vốn có trên quy mô lớn. Sự lo lắng của các nhà lãnh đạo hiện nay không phải là không có cơ sở.
Trong thế kỷ XXI, vai trò lãnh đạo càng trở nên khó khăn hơn bất kì giai đoạn nào trước đó. Hình ảnh lãnh đạo mà thế giới ngày nay tìm kiếm chính là những gì Banga và Lyons thể hiện: sự tổng hợp các kỹ năng khơi dậy sự đổi mới trong tổ chức, với các bên liên quan và hệ sinh thái bao quanh doanh nghiệp.
Lãnh đạo chính là chất xúc tác đổi mới của tổ chức
Linda A. Hill, giáo sư về Hành chính Kinh doanh thuộc Trường Kinh doanh Harvard cùng với các cộng sự của mình đã thực hiện nghiên cứu trong 20 năm về các nhà lãnh đạo ở vị trí hàng đầu - những người đã xây dựng các tổ chức bằng cách thường xuyên đổi mới. Kết quả của nghiên cứu đã được tiết lộ trong cuốn Collective Genius (Thiên tài tập thể), khám phá sự giao thoa giữa lãnh đạo và đổi mới, cũng như sự thay đổi mô hình tạo nên một nhà lãnh đạo tuyệt vời trong các tổ chức.
Thế giới kinh doanh đang chuyển sang một kỷ nguyên mà sự nhanh nhạy, đổi mới và công nghệ kỹ thuật số là những động lực chính của sức mạnh cạnh tranh. Thay vì thu hút người khác đi theo họ trong tương lai, các nhà lãnh đạo cần mời gọi những người khác cùng tạo ra tương lai với họ. Vai trò của người lãnh đạo chính là chất xúc tác thúc đẩy các nhóm bao gồm các cá nhân có chuyên môn và phong phú kinh nghiệm - những người sẵn sàng cộng tác, thử nghiệm và học hỏi cùng nhau.
Tất cả các nhà lãnh đạo trong Collective Genius đều là những người có tầm nhìn xa, những người biết rằng sự đổi mới không đến ttừ một cá nhân thiên tài hay trong một khoảnh khắc bất chợt. Họ tin rằng mọi người đều có một "phần thiên tài" có thể được giải phóng và tối ưu để phát triển các giải pháp sáng tạo cho những “điểm đau” và sự kỳ vọng của các bên liên quan.
Thay vì đứng ở vị trí "trên cao" và chỉ đường cho những người khác, nhà lãnh đạo xuất chúng ngày nay đã học cách tạo tiền đề và môi trường giúp nhân sự sẵn sàng thực hiện công việc đổi mới đầy thách thức. Họ đưa ra các lựa chọn mở giúp giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo và xây dựng văn hóa cộng đồng, trong đó tất cả thành viên đều ràng buộc bởi một mục đích chung, các giá trị được chia sẻ và các quy tắc tương tác làm nền tảng cho sự đồng sáng tạo.
Điều nổi bật nhất của các nhà lãnh đạo thành công là không chỉ có thể xây dựng một tổ chức sáng tạo mà còn tạo dựng mạng lưới và hệ sinh thái sáng tạo vượt qua ranh giới tổ chức. Những người này được mô tả trong Collective Genius là những “thiên tài tập thể”, nhà tiên phong và tạo động lực đổi mới.
Khi đối mặt với khủng hoảng, con người chúng ta có xu hướng đối phó theo kinh nghiệm - thứ được gọi trí nhớ cơ bắp. Nhưng cách chúng ta đã dẫn dắt trong quá khứ chưa chắc phù hợp với hiện tại và đưa chúng ta đến nơi mong muốn trong tương lai. Đã đến lúc khẳng định vai trò của nhà lãnh đạo mới, đó là người sẵn sàng cam kết về khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo, giải phóng và phát triển nhân tài và sự đam mê, từ đó tạo ra một tương lai hứa hẹn hơn cho tổ chức trong thế giới bất định như hiện nay./.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm