Thị trường hàng hóa
Trong quá trình trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, nhận thức bản thân là yếu tố quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu đó, các nhà lãnh đạo cần khám phá bản sắc lãnh đạo của bản thân cũng như tìm hiểu cách mà bản sắc lãnh đạo được hình thành và thúc đẩy.
Trong quá trình điều hành, bản sắc lãnh đạo ban đầu sẽ đóng vai trò như môt nền tảng. Bản sắc ngày càng được thể hiện rõ nét thông qua quá trình thực hiện vai trò lãnh đạo.
Các nhà lãnh đạo nếu không dành thời gian để phát triển khả năng tự nhận thức có thể không giữ được bản sắc lãnh đạo khi đối diện với hàng loạt vấn đề trong công việc hay cuộc sống. Các tác động bên ngoài cùng một ý chí không kiên định có thể khiến chúng ta đánh mất quan niệm vốn có của bản thân và thể hiện một bản sắc lãnh đạo không nhất quán.
Theo Tiến sĩ Gregory Stebbins, chúng ta có thể sử dụng quá trình tự nhận thức để khám phá các tầng khác nhau hình thành nguồn gốc bản sắc lãnh đạo. Tầng bản sắc bên ngoài có thể tác động đến tầng bản sắc bên trong và khi mở rộng được nhận thức, chúng ta có thể nhận thấy tầng bản sắc được nhận thức sau cùng lại là cội nguồn của những gì đã được khám phá trước đó.
Hành vi
Hãy bắt đầu với hành vi, bởi hành vi định hình bản sắc lãnh đạo. Trong một tổ chức, hành vi của lãnh đạo là khía cạnh đáng chú ý được đề cập đầu tiên khi nói về bản sắc. Một nhà lãnh đạo cởi mở hay độc tài, hay ở giữa hai thái cực này đều được nhận biết thông qua hành vi.
Khi một nhà lãnh đạo cư xử một cách nhất quán và có những hành vi tạo dấu ấn, bản sắc lãnh đạo sẽ được xác nhận. Hành vi là thành phần cốt lõi và là trung tâm của bản sắc bởi không ai khác có thể lựa chọn hành vi của chúng ta cho chính chúng ta. Động lực của các hành vi bắt nguồn từ các tầng bản sắc được khám phá tiếp sau đây.
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng cá nhân có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của một nhà lãnh đạo. Kỹ năng giao tiếp linh hoạt cho phép các nhà lãnh đạo tạo ra các mối quan hệ quan trọng và thúc đẩy nhân viên trong khi điều hướng các trở ngại của tổ chức. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ tạo ra các đội nhóm kết nối và có động lực hơn.
Khả năng thúc đẩy mối quan hệ giữa các cá nhân thông qua sự đồng cảm, xây dựng lòng tin và giao tiếp rõ ràng là kỹ năng nền tảng tác động đến cả nhà lãnh đạo và cấp dưới của họ. Kỹ năng giao tiếp tốt cũng giúp các nhà lãnh đạo đưa ra các hành vi chuẩn mực hơn và tạo những dấu ấn tích cực.
Thái độ
Nhiều nhà lãnh đạo có thể có những hành vi giống nhau nhưng được thúc đẩy bởi những thái độ khác nhau.
Giả sử rằng chúng ta là những nhà lãnh đạo giàu lòng trắc ẩn, chúng ta có thể bị thúc đẩy bởi thái độ của mình rằng lòng trắc ẩn đối với người khác là mục đích chính của lãnh đạo. Có những thái độ được thúc đẩy từ chính suy nghĩ của chúng ta, trong khi có những thái độ khác được thúc đẩy bởi nhu cầu tình huống.
Giá trị
Các giá trị đặt ra tiêu chuẩn về những gì chúng ta sẽ làm hoặc không làm và định hướng thái độ của chính chúng ta. Các giá trị hoạt động theo hệ thống phân cấp, xác định các ưu tiên của nhà lãnh đạo. Thường thì các nhà lãnh đạo “hy sinh” các giá trị cấp thấp hơn để giữ nguyên các giá trị cao hơn.
Các giá trị tuy khá ổn định nhưng có thể thay đổi theo thời gian. Những giá trị được xem là quan trọng ở hiện tại có thể không còn quan trọng trong những giai đoạn tiếp theo. Đây là lý do tại sao mà chúng ta cần liên tục phát triển nhận thức để xác định những giá trị quan trọng trong mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Liên tục nhận định lại các giá trị và đảm bảo rằng chúng ta suy nghĩ và làm việc từ một quan điểm cân bằng.
Niềm tin và giả định
Lớp bản sắc cuối cùng được đề cập dựa trên niềm tin và những giả định mà chúng ta đưa ra về những niềm tin đó. Lulian Lonescu, một nhà viết sách về khoa học viễn tưởng và giả tưởng, đã giải thích: "Niềm tin là những gì chúng ta cho là sự thật, bất kể chúng ta có bất kỳ bằng chứng nào về sự thật khách quan của chúng hay không. Niềm tin được phát triển và kế thừa".
Phát triển niềm tin là kết quả từ trải nghiệm cá nhân. Những hành động lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến những giả định mà chúng ta đưa ra về niềm tin của mình. Phần lớn niềm tin của chúng ta nằm ở mức độ vô thức. Vì vậy, chúng ta có thể không biết rằng bản sắc lãnh đạo của chúng ta đang bị hạn chế và chúng ta có tính phòng thủ cao.
Tiến sĩ Gregory Stebbins cho rằng việc áp dụng “phương pháp đánh giá 360 độ” giúp chúng ta có những đánh giá về bản thân từ nhân viên, đồng nghiệp và cấp cao hơn, từ đó nhận ra các hành vi liên quan đến các lớp bản sắc được đề cập trên. Đây là điểm khởi đầu để khám phá cội nguồn của bản sắc của các nhà lãnh đạo.
Niềm tin tác động đến các giá trị mà chúng ta thấy quan trọng, thái độ mà chúng ta có đối với những người xung quanh và các vấn đề khác nhau, các kỹ năng giao tiếp mà chúng ta sử dụng khi tương tác với người khác và hành vi chúng ta sử dụng. Tất cả những điều này tạo nên các tầng bản sắc lãnh đạo và việc khám phá ra các tầng bản sắc sẽ giúp các nhà lãnh đạo không đi chệch hướng trong sự nghiệp lãnh đạo của mình./.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm