Thị trường hàng hóa
Một nhóm chuyên gia đến từ Đại học Michigan và Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill đã thực hiện một nghiên cứu với quy mô lớn tìm hiểu những nguyên do khiến một cá nhân có tâm lý “sợ làm lãnh đạo”. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù có nhiều lý do nhưng “lo ngại tổn hại danh tiếng bản thân” có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn cản mọi người chủ động theo đuổi mục tiêu trong công việc.
Nghiên cứu đã tập trung vào việc tìm hiểu xem việc lo ngại tổn hại danh tiếng hay hiểu nôm na theo ngôn ngữ Việt Nam là sợ “mang tiếng” sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến một cá nhân khi đảm nhận vai trò lãnh đạo. Liệu họ có “nhụt chí” với vai trò lãnh đạo hay “thui chột” năng lực lãnh đạo của họ hay không.
Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 1.700 người bao gồm nhân viên toàn thời gian, sinh viên MBA và học viên Lực lượng Không quân Hoa Kỳ. Tất cả đều cho một câu trả lời nhất quán về những tiêu cực do lo lắng về “rủi ro danh tiếng” đem lại.
Các chuyên gia khẳng định việc xác định vai trò người dẫn đầu với sự tự tin là bước đi đầu tiên giúp một người trở thành một nhà lãnh đạo tài ba. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng với việc này và nhiều người đảm nhận một cách miễn cưỡng khiến họ không thể đảm nhận tốt vai trò này hoặc khiến người khác không nhìn nhận được năng lực. Càng lo lắng hay thiếu tự tin vào bản thân càng khiến mất cơ hội trở thành nhà lãnh đạo thực thụ.
Sợ mọi người cho rằng mình độc đoán
Những người tham gia nghiên cứu cho thấy sự lo ngại mọi người nghĩ mình chuyên quyền, độc đoán hay hách dịch khi họ đảm nhận vai trò lãnh đạo. Một người tham gia phỏng vấn đã nói: “Tôi không muốn trên cơ hay lợi dụng những người dưới quyền mình. Tôi không muốn tỏ ra lạnh lùng”. Những tưởng tâm lý này chỉ có ở những nhà quản lý là nữ giới nhưng thật thú vị là những nhà quản lý nam cũng có những lo lắng này.
Nỗi sợ cô độc
Mối lo ngại thường thấy thứ 2 là việc khi trở thành một người lãnh đạo sẽ khiến họ trở nên đơn độc và nhận được quá nhiều sự chú ý vì ở vị trí khác biệt với tất cả những người còn lại, dù sự chú ý đó là tích cực.
Một người tham gia khảo sát giải thích: “Tôi không muốn được tôn sùng hay thần tượng. Tôi cảm thấy thoải mái khi dẫn đầu, nhưng đồng thời tôi cũng muốn ở cùng đẳng cấp với mọi người ”. Nhiều người lo lắng khi ở vai trò lãnh đạo họ sẽ trở nên “lẻ loi” và mất đi cảm giác thân thuộc với những người vốn trước “cùng team” với mình.
Lo ngại mình không đủ năng lực lãnh đạo
Bất kể họ có thực sự thấy mình đủ tiêu chuẩn hay không, nhiều người tham gia nghiên cứu nói rằng họ sợ người khác xem họ là người không phù hợp với vai trò lãnh đạo. “Tôi biết mọi người thường mặc định nam giới phù hợp với vai trò lãnh đạo hơn nữ giới nên điều đó khiến tôi có phần khó chịu. Tôi lo lắng rằng nếu tôi cố gắng theo đuổi vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực của mình, mọi người sẽ không coi trọng tôi ”.
Mặc dù đây là những lo lắng đến từ các nhóm ít được đại diện như phụ nữ và người da màu nhưng cũng phải nhìn nhận sự thực là những tâm lý này có tác động đến sự nhìn nhận bản thân của mỗi người.
Những người càng nhiều nỗi sợ hãi hay lo lắng thì càng không thể trở thành người lãnh đạo hay dám đặt mình vào vị trí lãnh đạo hoặc được đề xuất vào vai trò này. Kết quả là, họ ít có khả năng đóng vai trò là nhà lãnh đạo, và do đó ít có khả năng được cấp trên của họ định hướng với nhà lãnh đạo.
Thực tế thì con người luôn nhạy cảm với những bất ổn có thể xảy đến với mình. Mà lãnh đạo lại là vị trí đi kèm những thách thức lớn. Do đó một người né tránh vị trí lãnh đạo thường tự mình biện minh bằng những lo ngại như trên. Hẳn là sẽ dễ nghe hơn khi nói “tôi không phải là một người dẫn đầu” hơn là thừa nhận rằng bạn không dám nhận vai trò lãnh đạo vì những lo ngại mọi người nghĩ về mình.
Nghiên cứu tiết lộ một vài biện pháp can thiệp tâm lý mà các nhà quản lý có thể sử dụng giúp giảm những tác động của những nỗi lo lắng trên và thúc đẩy nhân viên tự tin và thoải mái hơn với vai trò người dẫn đầu.
Không nghiêm trọng hóa hay truyền tải định kiến tiêu cực liên quan đến vai trò lãnh đạo
Nhiều người lo lắng khi đảm nhận vai trò lãnh đạo nếu đưa ra những quyết định sai lầm hay không được sự ủng hộ của cấp dưới sẽ không mang lại hiệu quả công việc hay khiến công ty bị tổn thất.
Bằng cách làm rõ rằng những sai lầm mà người lãnh đạo đôi khi mắc phải là điều tất yếu có thể xảy ra và sẽ không trở thành vết đen trong hồ sơ của họ, các nhà quản lý có thể giúp nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi thấy mình là người dẫn đầu. Các tổ chức phải chứng minh bằng cả lời nói và hành động rằng bất kỳ ai cũng có thể là lãnh đạo và việc đảm nhận vai trò lãnh đạo sẽ được nhìn nhận một cách tích cực.
Lãnh đạo là một kỹ năng mà ai cũng cần trau dồi và phát triển chứ không phải là khả năng bẩm sinh.
Các nhà quản lý có thể giảm tác động của việc “sợ hãi danh tiếng” bằng cách khẳng định rằng lãnh đạo là một kỹ năng mà ai cũng cần trau dồi và phát triển chứ không phải là khả năng bẩm sinh. Đồng thời, khích lệ nhân viên bằng cách hướng dẫn và tạo cơ hội để phát triển kỹ năng lãnh đạo của họ, ghi nhận sự tiến bộ của họ trong việc phát triển những kỹ năng này (ngay cả khi kết quả không hoàn toàn tích cực) và chia sẻ cởi mở những câu chuyện về sự thất bại trong lãnh đạo cũng như câu chuyện đi đến thành công.
Như tác giả, nhà giáo dục và nhà hoạt động Parker Palmer đã viết một cách thuyết phục: “Lãnh đạo là một khái niệm mà chúng ta thường chống lại. Có vẻ như là không khiêm tốn, thậm chí là tự cao tự đại khi nghĩ mình là nhà lãnh đạo. Nhưng nếu đúng là chúng ta được tạo ra vì cộng đồng, thì lãnh đạo là thiên chức của mỗi người và có thể là một sự trốn tránh khi bạn khăng khăng phủ nhận điều đó."
Khi chúng ta sống trong một hệ sinh thái gắn bó được gọi là cộng đồng, mọi người đều tuân theo và mọi người có thể trở thành người dẫn đầu. Thiết lập một nền văn hóa tôn vinh vai trò lãnh đạo và làm cho nó thực sự dễ tiếp cận, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tuổi tác hoặc danh tính có thể giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi thấy mình và hành động như một nhà lãnh đạo./.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm