Thị trường hàng hóa
Trong thời đại 4.0, là xu thế toàn cầu và ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Không những thế, ứng dụng công nghệ số còn là “chìa khóa” mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại.
Theo đó, cần tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đặt mục tiêu mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ của nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Ứng dụng đầu tiên, phổ biến nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất phải kể đến là Internet. Internet cung cấp vô số lời giải miễn phí và nhanh chóng cho những vấn đề thường gặp của nhà nông. Đó có thể là lời khuyên từ chuyên gia, là kinh nghiệm thực tiễn của các nông dân khác, là một chương trình hỗ trợ của Chính phủ…
Với lượng thông tin khổng lồ và cập nhật, Internet còn giúp người nông dân hiện đại lập kế hoạch sản xuất thật chi tiết, từ sản lượng, chi phí đầu vào, lợi nhuận mong đợi, rủi ro gặp phải… để linh hoạt ứng phó với các tình huống phát sinh. Bên cạnh đó, việc sử dụng Internet giúp nông dân tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích về kỹ thuật và thị trường.
Một ứng dụng rất phổ biến hiện nay nữa là thiết bị di động thông minh. Với mạng lưới phủ sóng rộng khắp, dễ sử dụng, đa chức năng và giá rẻ, các thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại đã giải quyết được thách thức lớn nhất của nhà nông trong việc kết nối với thị trường, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp. Trước đây, nông dân hầu như không biết gì về giá cả thị trường nên nông sản thường được bán với mức giá rất chênh lệch ở những khu vực chỉ cách nhau vài cây số. Nhờ thông tin cập nhật thường xuyên qua điện thoại di động, người nông dân nay biết cách tiếp thị nông sản hiệu quả hơn, bán được nhiều hơn với giá tốt hơn.
Ứng dụng công nghệ quản lý nguồn gốc nông sản: đây là công nghệ tự động nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến, có khả năng lưu trữ và nhận dữ liệu từ xa thông qua bộ phát tần số siêu nhỏ. Công nghệ này cho phép theo dõi chặt chẽ nguồn gốc và quá trình phát triển của gia súc, cây trồng.
Hiện nay nước ta đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống công cụ phục vụ đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa dựa trên mã QR và cổng thông tin điện tử góp phần chuẩn hóa quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường... truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số trong lưu thông hàng hoá cũng sẽ là một bước tiến cần có cho các sản phẩm nông sản tại Việt Nam, đó là Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Hệ sinh thái này là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như Hội chợ, triển lãm số, kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, tư vấn - huấn luyện trực tuyến…
Những lợi ích chính mà công nghệ thông minh mang lại cho nông nghiệp là tăng cường thông tin, nâng cao năng suất, cải thiện năng lực quản lý, chủ động tìm kiếm thị trường, giảm bớt rủi ro, tạo nền tảng phát triển các mô hình kinh doanh mới… Tuy nhiên, để tạo nên một nền nông nghiệp “tươi mới” hơn nữa, thu hút lao động trẻ đến với nghề nông hơn nữa thì cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại hơn nữa, đồng thời có những chiến lược định hướng thị trường hiệu quả và nhiều cơ hội tạo thu nhập bền vững.
Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa chính sách xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, phải thực sự coi trọng vai trò của các doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn nữa những chính sách để nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao trong nông nghiệp; quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam… để nông dân sau khi học nghề là có thể áp dụng được kỹ năng hiện đại vào sản xuất; nhiều lao động sau học nghề mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp nhiều lần trước đây.
Cùng với đó, cần thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người sử dụng, tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt là những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước. Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do, cho thấy sự tích cực của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam…
Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm
Business Networking
Mạng lưới kết nối của Trí Tuệ Mới