Thị trường hàng hóa
Hằng ngày, chúng ta nghe nói nào tiền giả, thuốc tây giả, lương thực, thực phẩm giả, hài cốt giả, điểm giả… nhưng ít người để ý còn có một thứ giả rất tinh vi khó nhận biết, đó là đạo đức giả.
Đạo đức giả hiểu một cách đơn giản là hành vi dùng lời nói, cử chỉ, việc làm hay ho, đẹp đẽ bề ngoài để che đậy ý nghĩ đen tối và tình cảm thấp hèn bên trong của một người nhằm thỏa mãn nhu cầu, mục đích cá nhân.
Dân gian đúc kết về người có thói đạo đức giả là kiểu người: “Khẩu phật tâm xà/ Miệng nam mô/bụng bồ dao găm” hay “Nghe đồn cha mẹ anh hiền/cắn cơm không bể cắn tiền bể hai” hoặc “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ mà trong nham hiểm giết người không dao”…
Cũng bởi vì được che đậy kỹ lưỡng như thế nên đạo đức giả rất khó bị phát hiện cho dù nó nhan nhản ở khắp mọi nơi, thậm chí còn chung sống hòa bình với cộng đồng. Đạo đức giả được ví như một căn bệnh nguy hiểm đang làm mất dần đi những giá trị tốt đẹp của con người và cuộc sống.
Đạo đức giả hiện diện ở khắp nơi, không loại trừ các mối quan hệ thân thiết: gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp…
Gia đình là nơi mà biểu hiện đạo đức giả thường có mức độ nhẹ nhất. Đó là những lời bào chuốt, bóng bẩy, đẩy đưa, khen chê không đúng sự thật, cốt làm hài lòng nhau hoặc mưu cầu một lợi ích cá nhân nào đó.
Trong cơ quan, lúc nào đồng nghiệp cũng ra vẻ lịch sự ân cần, làm như quan tâm, chiếu cố nhau, khi cần thiết không ngại buông lời từ bi bác ái, nhưng chỉ cần khuất sau lưng là sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà tâu hót, đơm đặt, ám hại lẫn nhau. Có người vì mấy đồng lương tăng, vì cái chức vụ bé con cũng có thể mắt lấp tai ngơ trước thảm họa giáng xuống bạn bè. Bên ngoài thì tỏ ra thông cảm, chia sẻ, rơi nước mắt… nhưng vào trong cuộc họp, dù biết rõ bạn bị hàm oan vẫn im thin thít.
Ngoài xã hội, làm từ thiện thì rêu rao hình ảnh, đánh bóng tuổi tên trong khi ở nhà bố mẹ cháo rau, anh em cơm hẩm. Mấy tay gian thương rao giảng đạo đức thương trường. Mấy “anh chị” bán hàng đa cấp, biết tỏng mình đang lừa gạt người nông dân thiệt thà, tội nghiệp vẫn “tuyên truyền” ra rả như đang làm từ thiện. Mấy vị chuyên gia tâm lý nói chuyện nghĩa nhân trong khi bản thân tha hóa, gia đạo bất hòa.
Điều trị căn bệnh đạo đức giả, tất nhiên không giống như điều trị các căn bệnh thực thể. Nó không dựa hoàn toàn vào các phương tiện y học. Công cụ tốt nhất để điều trị căn bệnh này là mỗi cá nhân tự thay đổi nhận thức. Không nói lời giả nhân giả nghĩa, xu nịnh, tâng bốc… đồng thời tẩy chay, không thích, không nghe, không hưởng ứng nó, mới loại trừ được thói đạo đức giả. Có cung ắt có cầu. Khi nào, ở đâu, người ta vẫn còn thích nghe những lời giả nhân giả nghĩa, còn tâm lý cả tin thì ở đó, thói đạo đức giả vẫn còn “chốn dung thân”.
Cần phân biệt đạo đức giả với cách giao tiếp ứng xử khéo léo trong cuộc sống. Những lời nói “dễ nghe” khiến các mối quan hệ xung quanh mình thêm lãng mạn, dễ chịu, đằng sau nó không phải là một dã tâm, một mưu cầu lợi ích cá nhân, không làm hại bản thân, bạn bè, đối tác, cộng đồng và xã hội thì không được xem là đạo đức giả.
Thay đổi nhận thức và hành vi của một con người hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng. Tuy nhiên cuộc sống là một chuỗi phấn đấu để đạt đến chân thiện mỹ của con người. Nếu biết cố gắng, chúng ta sẽ sỡ hữu một cuộc sống hạnh phúc hơn, xã hội cũng theo đó mà tốt đẹp hơn.
Chính vẻ đẹp của đạo đức tạo nên sự khác biệt giữa con người. Nhưng tuyệt đối không phải là “hàng giả”. Tóm lại, nếu hàng giả làm suy sụp nền kinh tế thì đạo đức giả sẽ làm suy yếu nền văn hóa của một đất nước.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm