Thị trường hàng hóa
Thị trường tài chính thế giới đang ngày càng tồi tệ hơn. Ở Anh, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt cùng lúc với đồng bảng Anh sụt giá, khiến Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải đưa ra những quyết định kịp thời nhằm hạ nhiệt thị trường.
Cụ thể, BoE đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% lên 2,25%, nhằm kiểm soát tình hình lạm phát đang ở mức tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Đây được đánh giá là mức tăng khiêm tốn hơn so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các nước khác.
Chi phí năng lượng và hàng hóa tăng cao buộc các hộ gia đình tại quốc gia này phải kiềm chế chi tiêu. Do đó, Chính phủ Anh đã lập tức có kế hoạch về việc áp mức trần hóa đơn năng lượng và gói hỗ trợ trị giá 150 tỷ bảng Anh (180 tỷ USD) nhằm giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp Anh vượt qua cuộc khủng hoảng giá năng lượng.
Tương tự, Chính phủ Nhật Bản cũng đã có động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối trong bối cảnh đồng yên đột ngột giảm giá. Đây là lần can thiệp đầu tiên trong 24 năm của Nhật Bản để hỗ trợ đồng nội tệ do chi phí nhập khẩu tăng đã kéo nền kinh tế đang đi xuống.
Mới đây, Trung Quốc đã thông báo nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với giao dịch ngoại hối, nhằm hạn chế dòng vốn chảy ra. Nguyên nhân của những sự căng thẳng và hỗn loạn tài chính là xu hướng tăng giá chưa từng có của đồng USD và lãi suất toàn cầu.
Mỗi quốc gia đều đang nỗ lực để hạn chế sự ảnh hưởng của thị trường tài chính nhưng hầu hết đều có chung một nhóm thách thức. Việc nền kinh tế Mỹ “khoẻ mạnh" hơn đã kéo theo việc hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều đang suy yếu đáng kể so với USD.
Chỉ số US Dollar Index (Đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ của các hàng đầu thế giới) đã tăng 22% trong năm nay và neo ở mức cao nhất trong hai thập kỷ. Tình hình lạm phát kéo dài ở Mỹ và việc các Ngân hàng Trung ương đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ trong tuần trước đã khiến các thị trường trở nên nhạy cảm.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) lưu ý, hiện điều kiện tài chính đã thay đổi. BIS chỉ ra rằng thị trường đang phản ánh quyết tâm tăng lãi suất của các nhà hoạch định chính sách và thanh khoản trên thị trường trái phiếu Mỹ ngày một xấu đi.
Sự căng thẳng cũng lan rộng ra những thị trường khác. Lợi suất trái phiếu rủi ro cao của Mỹ đã quay lại mức gần 9%, cao gần gấp đôi so với năm ngoái. Trái phiếu vừa đủ tiêu chuẩn để xếp hạng cấp đầu tư BBB đang trả lãi suất gần 6%, mức cao nhất trong vòng 13 năm.
Cụm từ "biến động'' được xuất hiện hầu hết trong dự báo của Bộ Tài chính các quốc gia, các nhà quản lý doanh nghiệp, tổ chức hay nhà đầu tư. Những người tham gia thị trường bắt đầu xây dựng các phương án phòng vệ rủi ro và lập kế hoạch tương ứng.
Năm ngoái, ít có dự đoán rằng lạm phát hai chữ số sẽ tấn công nhiều nước trên thế giới. Nhưng điều kiện tài chính hiện đã biến đổi quá xa so với kỳ vọng. Khi thị trường hoạt động tồi tệ hơn mọi dự đoán trước đó, hàng loạt rủi ro xuất hiện khiến các nhà hoạch định chính sách đối mặt với những lựa chọn không mấy tích cực.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Hoa Kỳ, từ năm 1980 đến 2020, khi lạm phát tại các nước giàu vượt quá 5% thì trung bình phải mất đến 10 năm để trở lại mức 2%. Dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng đang sụt giảm nhanh chóng. Tại báo cáo ngày 26/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng GDP toàn cầu sẽ chỉ tăng 3% trong năm nay, giảm 1,5 điểm % so với dự đoán từ tháng 12 năm ngoái.
Đồng thời, OECD cũng dự kiến tăng trưởng thế giới năm 2023 sẽ chỉ còn 2,2%, cùng với đó là tình trạng giá hàng hóa trượt giá. Giá dầu thô Brent trở lại mức khoảng 85 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1. Giá đồng trên Sàn giao dịch Kim loại London đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai tháng qua.
Nền kinh tế toàn cầu chững lại sẽ khiến các doanh nghiệp bắt đầu hạ dự báo lợi nhuận như Công ty vận tải toàn cầu FedEx đã từng dự báo về sự sụt giảm về nhu cầu trên thế giới. Lãi suất tăng là cú giáng mạnh vào giá chứng khoán, do vậy, lợi nhuận các công ty cũng sẽ suy giảm.
Sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ không khiến USD suy yếu. Bởi nhà đầu tư thường cố gắng bám vào sự an toàn của đồng tiền dự trữ toàn cầu, vì thế USD thường có sẽ xu hướng tăng giá trong bối cảnh kinh tế suy yếu. Đây sẽ là viễn cảnh đáng ngại với các quốc gia và doanh nghiệp toàn cầu.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm