Thị trường hàng hóa
Với khối tài sản ròng 148 tỉ USD (theo Bloomberg Millionaire Index), tỷ phú người Ấn Độ Gautam Adani trở thành người giàu thứ 2 thế giới, chỉ sau Elon Musk. Ông còn được so sánh với các ông trùm kinh doanh như John D. Rockefeller và Cornelius Vanderbilt từ Thời đại Vàng son của Mỹ, những người đã xây dựng các doanh nghiệp độc quyền rộng lớn vào những năm 1800.
Đại học không là con đường duy nhất
Gautam Adani sinh năm 1962 tại bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, trong một gia đình có truyền thống kinh doanh ngành dệt may. Ông từng theo học chuyên ngành thương mại tại Đại học Gujarat. Tuy nhiên, chỉ học đến năm thứ hai, Adani quyết định ngừng học. Ông quyết tâm đi tìm cơ hội phát triển cho mình tại Mumbai - thành phố sôi động bậc nhất tại đất nước ông sinh sống.
Là một doanh nhân thế hệ thứ nhất, Adani bắt đầu sự nghiệp của mình với việc kinh doanh kim cương. Sau đó, vào năm 1988, ông đứng ra thành lập một doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa mà sau này phát triển thành Adani Enterprises Limited (AEL).
Thời điểm đó, Ấn Độ đã tiến hành những cải cách mang tính đột phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó mà Adani cũng phát triển sự nghiệp kinh doanh và tài sản của mình. Năm 1994, AEL trở thành công ty đầu tiên trong số các công ty của ông được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Mumbai.
Doanh nghiệp AEL của Adani hoạt động như một “vườn ươm” cho các doanh nghiệp nhỏ của ông. Khi chúng đã phát triển đủ lớn mạnh sẽ được tách ra và thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhiều công ty của Adani đã trở thành những công ty hàng đầu trong các lĩnh vực tương ứng.
Tỷ phú Adani sở hữu nhà khai thác cảng tư nhân lớn nhất Ấn Độ và nhà sản xuất nhiệt điện tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Trong một số lĩnh vực, Adani đã trở thành người dẫn đầu thông qua các giao dịch mua chiến lược. Vào tháng 5, tỷ phú này mua lại mảng kinh doanh xi măng tại Ấn Độ từ một công ty với giá 6,4 tỷ USD, đưa tập đoàn của ông trở thành nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai của đất nước.
Gần đây, ông cũng trở thành nhà điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ, chủ yếu bằng cách mua lại các sân bay thông qua nỗ lực tư nhân hóa của chính phủ, mặc dù trước đó ông không có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không.
Trong khi đế chế của Adani được xây dựng dựa trên nhiên liệu hóa thạch, ông trùm này cũng đang đầu tư hàng tỷ USD vào năng lượng sạch, một tham vọng phù hợp với các mục tiêu khí hậu dài hạn của Ấn Độ hiện thời.
Liều lĩnh đối đầu rủi ro
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy cổ phiếu của 7 công ty niêm yết của Adani - trong các lĩnh vực từ cảng đến nhà máy điện - đã tăng chóng mặt từ 10% đến 260% kể từ đầu năm nay, với hầu hết trong số đó tăng gần gấp đôi giá trị trong 9 tháng qua.
Nhờ đó, ông nhanh chóng trở thành người giàu thứ hai thế giới vào tháng 9, theo Bloomberg Billionaires Index, vượt qua người sáng lập Amazon Jeff Bezos. Đây là lần đầu tiên một người đến từ châu Á được xếp hạng cao như vậy trong danh sách vốn từ lâu đã bị thống trị bởi các doanh nhân công nghệ da trắng.
Sự “bành trướng” lĩnh vực kinh doanh mạnh mẽ của Adani được các chuyên gia nhận định là đi đôi với sự liều lĩnh.
James Crabtree, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Châu Á, cho biết: “Công thức thành công của Adani kết hợp giữa việc triển khai dự án mạnh mẽ với khả năng chấp nhận rủi ro cao và mức nợ cao”.
Phần lớn tài sản của Adani gắn liền với Tập đoàn Adani đang phát triển mạnh do ông thành lập hơn 30 năm trước. Cách làm của tỷ phú Adani là không được phép đi chậm lại. Thay vào đó, ông tung ra một chiến dịch mở rộng chớp nhoáng đáng kinh ngạc và chuyển sang các lĩnh vực khác nhau như truyền thông, trung tâm dữ liệu, sân bay và xi măng.
James Crabtree nói thêm: “Ngay cả ở Ấn Độ, nơi số lượng người siêu giàu đã tăng lên rất nhiều, thành tích tích lũy tài sản của anh ấy cũng được xem là phi thường và bất thường. Sự tăng trưởng này đi kèm với một rủi ro lớn”.
Sự nghiệp của Adani đã được thúc đẩy nhờ khoản vay 30 tỷ USD, điều này khiến doanh nghiệp của ông trở thành một trong những công ty mắc nợ nhiều nhất trong cả nước. Các nhà phân tích tỏ ra lo lắng, đặc biệt là vào thời điểm lãi suất đang tăng vọt trên toàn cầu. Tại Ấn Độ, lãi suất cơ bản đã tăng bốn lần kể từ tháng 5 năm nay, lên 5,9%. Song, nhiều chuyên gia cũng nhận định, với bản lĩnh đương đầu rủi ro, mọi chuyện có thể sẽ không quá đáng lo với tỷ phú này.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm