Thị trường hàng hóa
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì (chiều 12/9/2022), ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam cho biết, thế giới đang phải đối mặt rất nhiều rủi ro về lạm phát, khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang phục hồi rất tốt, việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19, các nỗ lực bao phủ vaccine, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch.
"Trong tháng 7, chúng tôi đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên. Đây là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà chúng tôi tăng dự báo tăng trưởng. Năm 2023, chúng tôi giảm dự báo xuống còn 6,7% do mức tăng cao của năm 2022, nhưng vẫn là mức rất cao so với các khu vực khác và so với các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á", ông Francois Phainchaud nêu rõ.
Cũng theo ông Francois Phainchaud, với Việt Nam, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát rất tốt liên quan tới dịch vụ, giao thông, giá xăng dầu và tỷ giá được giữ ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực để kéo giảm lạm phát, giữ ổn định vĩ mô và đang làm rất tốt. Các điều kiện tài chính cũng được điều hành chặt chẽ.
Thời gian tới, IMF khuyến nghị đối với các chính sách tiền tệ, Việt Nam cần phải cẩn trọng, duy trì chính sách tiền tệ phải thắt chặt, trao đổi kỹ lưỡng, hành động nhất quán. Chính sách tài khóa hỗ trợ chính sách tiền tệ và cho phục hồi kinh tế cần được triển khai với vai trò mạnh mẽ hơn, nhắm tới mục tiêu cụ thể hơn, trên diện rộng hơn để không đi ngược lại chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xử lý vấn đề nợ xấu, các rủi ro tiềm tàng. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam đang tăng khá nhanh và GDP tăng rất cao, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hệ thống ngân hàng để phát triển thị trường vốn. Các lĩnh vực bị tác động bởi lạm phát nhiều, các điều kiện về tài chính trở nên chặt chẽ hơn dẫn đến các vấn đề liên quan vốn, thị trường trong khu vực, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghiệp đang gặp phải vấn đề.
"Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam hiện nay đã tăng lên, GDP Việt Nam tăng cao, là 1 trong 20% nước có tỷ lệ tăng GDP, tuy nhiên theo tiêu chuẩn khu vực chưa phải là cao. Việt Nam vẫn còn thấp hơn nước khác liên quan vấn đề vốn, các nghiên cứu cho thấy vấn đề vốn và tăng trưởng GDP có thể tăng rủi ro khu vực. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống ngân hàng với những chính sách cẩn trọng để phát triển thị trường vốn bền vững", Đại diện IMF khuyến nghị.
Đánh giá nền kinh tế phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng, ông Andrea Copppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) thì cho rằng, chính sách chiến lược mà có thể áp dụng, đó là các nhà điều hành kinh tế của Việt Nam cần điều hành, cân đối giữa chính sách để phục hồi nền kinh tế và có thể kiểm soát lạm phát đang ngày càng gia tăng và có những yếu tố bất ổn trong nền kinh tế, phải đối phó với sự thay đổi của cả nền kinh tế thế giới.
Đại diện WB nêu các quan điểm, đó là, cần có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý những khoản đầu tư công và những khoản đầu tư công này phải phát huy một cách hiệu quả hơn.
Trong thời gian ngắn hạn, phải sử dụng tốt và hiệu quả những gói về hỗ trợ tăng trưởng phục hồi. Do vậy, cần phải có sự phục hồi của thị trường và nguồn cầu của thị trường trong nước. Từ đó, có thể hạn chế được tác động tiêu cực của việc tăng giá. "Nếu chúng ta đưa lạm phát lên 4% so với mức dự kiến thì chúng ta phải thắt chặt lãi suất và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải thực hiện điều này", ông Andrea Copppla nêu rõ.
Cũng theo đại diện WB, những quyết định của chính sách tài chính, tiền tệ như vậy có thể hướng dẫn những hành vi của thị trường và do vậy cần có những thay đổi rất căn bản để có thể phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ và chúng ta cần phải nâng cao sự thanh khoản của nền kinh tế.
Ông Andrea Copppla cũng cho rằng, thời gian tới, phải đối mặt rủi ro về tài chính nên phải bảo đảm vững chắc sự tự cường của nền tài chính quốc gia và cần phải xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của nền kinh tế để tất cả những ngân hàng đều phải tuân thủ đối với việc xử lý nợ xấu.
Về cải cách cơ cấu, theo đại diện WB, đây là điều rất quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng và tạo cho nền kinh tế ngày càng tự cường hơn. "Tôi nghĩ rằng các chính sách về tài khóa có tác dụng nhưng chúng ta phải phát huy hiệu quả của những chính sách này và phải tiếp tục theo đuổi các chương trình phát triển, chương trình xã hội khác; thích nghi và làm cho sức khỏe, độ tự cường của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao hơn", Ông Andrea Copppla nói.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm