Thị trường hàng hóa
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2024 có 4.241 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, có 1.137 doanh nghiệp bất động sản giải thể, cũng giảm nhẹ khoảng 1%.
Đây cũng là xu thế chung khi thống kê chung của tất cả các lĩnh vực có 147.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023.
So sánh số doanh nghiệp thành lập mới phân chia theo 7 nhóm lĩnh vực hoạt động thì số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới đứng thứ 6 với 4.241 doanh nghiệp, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với nhóm dẫn đầu là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (59.961 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, nếu về số lượng doanh nghiệp giải thể thì nhóm kinh doanh bất động sản lại đứng thứ 3 trong số 7 nhóm lĩnh vực hoạt động được thống kê.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2024, cả nước có gần 11.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt gần 138,6 nghìn tỷ đồng, giảm 21,3% về số doanh nghiệp, giảm 9,8% về vốn đăng ký so với tháng 10/2024. So với cùng kỳ năm trước, giảm 22,6% về số doanh nghiệp, giảm 27,2% về số vốn đăng ký.
Tính chung 11 tháng, cả nước có hơn 147.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.450.600 tỷ đồng; giảm 0,5% về số lượng doanh nghiệp, trong khi số vốn tương đương cùng kỳ.
Theo dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, với 3 bộ luật mới Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8/2024, thị trường đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu phục hồi trở lại sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp để các luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, doanh nghiệp bat động sản vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc về pháp lý.
Các khó khăn chủ yếu tập trung ở khâu xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất cho đến cả những thách thức hiện hữu trong việc tiếp cận nguồn vốn…
Theo Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), nhiều chính sách mới liên quan đến bất động sản sẽ thúc đẩy hoạt động phát triển dự án vào năm 2025 và xa hơn. Nhiều quy định mới về bất động sản được ban hành gần đây sẽ thúc đẩy việc phát triển các dự án và bán hàng vào năm 2025 và xa hơn.
Khi dòng tiền được cải thiện, khả năng thanh toán nợ của các chủ đầu tư bất động sản bắt đầu cải thiện. Mặc dù doanh số bán hàng dự án đã phục hồi từ quý I/2024 nhưng năm 2024 các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn; trong đó, phần lớn doanh nghiệp sẽ khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2025 thị trường sẽ tốt hơn nhờ “trợ lực” của nhiều Thông tư và Nghị định hướng dẫn được ban hành hoặc có hiệu lực trong quý III/2024 sẽ đẩy nhanh việc phát triển dự án và bán hàng vào năm 2025.
Cụ thể có hơn 20 Nghị định, Thông tư đã được ban hành trong quý III/2024 để hỗ trợ thực hiện các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Chủ đầu tư được hướng dẫn rõ ràng hơn để tiến hành các thủ tục và thúc đẩy phát triển nhiều dự án mới như: định giá đất, thu hồi đất, các khoản phí và nhiều yếu tố khác...
Do đó, năm 2025, các chuyên gia dự báo, nhiều chủ đầu tư sẽ tăng mạnh số lượng dự án mới, giúp cải thiện doanh số bán hàng và dòng tiền.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm