Thị trường hàng hóa
TP.HCM rà soát 176 dự án đất đai chậm tiến độ
Trong báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, công tác rà soát, xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, UBND TP.HCM cho biết trên địa bàn thành phố có 176 dự án chậm tiến độ sử dụng đất.
Cụ thể, TP.HCM có 176 dự án đất đai thuộc diện phải điều chỉnh, hủy bỏ do không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người đang sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Đối với những dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tổ chức triển khai, hướng dẫn cho UBND các quận, huyện làm việc với chủ đầu tư dự án để rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện; việc lập và phê duyệt dự án đầu tư, tiến độ thực hiện thu hồi đất, tình hình bồi thường giải phóng mặt bằng…
Theo UBND TP.HCM, qua rà soát tại 19 quận, huyện đã tổng hợp được 112 dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất. Trong đó, số dự án đã thanh tra, kiểm tra là 97 dự án. Tuy nhiên, qua xem xét nội dung 2 bản kết luận thanh tra, kiểm tra thì các nội dung kết luận không thể hiện rõ hành vi vi phạm không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất của các chủ đầu tư dự án, vì vậy chưa có căn cứ để xử lý.
Do đó, UBND TPHCM chưa thực hiện việc xử lý đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất mà giao cho các Sở, ban ngành, UBND các địa phương tiếp tục theo dõi để xử lý theo quy định.
Pháp lý, chủ đầu tư thiếu vốn,... là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ
Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ, theo đánh giá của UBND TP.HCM là các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng thường xuyên có sự thay đổi nên việc tổ chức thực hiện các thủ tục còn nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế.
Theo quy định pháp luật đất đai năm 2003, năm 2013 thì dự án thực hiện trong các khu đô thị mới được Nhà nước thu hồi, bồi thường, giao cho chủ đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, thực tế có nhiều dự án được cơ quan có thẩm quyền thu hồi, tạm giao đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trước và sau khi Luật Đất đai năm 2003, năm 2013 có hiệu lực thi hành, chủ đầu tư tự thương lượng, thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân có đất trong dự án. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài trong khi giá đất ngày càng nhiều biến động và tăng nhanh. Do đó, dự án càng kéo dài thì càng gặp nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, một số chủ đầu tư thiếu vốn, thiếu năng lực cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc triển khai dự án kéo dài, chậm tiến độ.
Ngoài ra, dù đây là công tác được đôn đốc, thực hiện và rà soát thường xuyên, liên tục, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phân loại, tham mưu xử lý. Một trong những lý do là công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm còn chậm so với quy định pháp luật. Quá trình chuyển đổi chức năng sử dụng đất một số loại đất còn chậm. Có tình trạng khác biệt giữa chức năng sử dụng đất thực tế và quy hoạch sử dụng đất. Tình trạng đưa các dự án chưa rõ tính khả thi vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm...Từ đó, ảnh hưởng tiến độ và chưa đáp ứng kịp thời công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai thực hiện các dự án.
Ở một diễn biến khác có liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về việc đảm bảo quỹ đất ở, nhà ở tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, quá trình rà soát tiến độ giải ngân, giải quyết các vướng mắc các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy một trong những nguyên nhân chính và khó khăn lớn nhất hiện nay của các địa phương là thiếu quỹ đất ở, nhà ở để bố trí tái định cư cho các hộ dân.
Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như tiến độ bàn giao mặt bằng cho các dự án và có một phần trách nhiệm của Sở Xây dựng, các địa phương do chưa chủ động chuẩn bị quỹ đất ở, nhà ở. Do thiếu quỹ đất ở, nhà ở nên khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các quận, huyện phải cân đối từ nguồn quỹ đất ở, nhà ở tại các địa phương khác.
Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc chuẩn bị quỹ đất ở, nhà ở tái định cư tại các địa phương để phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân. Việc chủ động của các địa phương giúp đảm bảo tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiến độ giải ngân và tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện chủ động lãnh đạo, chỉ đạo rà soát các khu đất trống, quỹ đất công, các khu đất đang cho thuê sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả trên địa bàn, báo cáo UBND Thành phố, các Sở, ngành có liên quan.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm