Thị trường hàng hóa
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, những tháng đầu năm, thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần. Lượng giao dịch bất động sản đầu năm 2024 tăng gần 30% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, số dự án hoàn thành, cấp phép mới, đủ điều kiện bán trong tương lai đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, lượng tồn kho bất động sản còn rất lớn, chủ yếu là nhà ở riêng lẻ và đất nền với 19.323 sản phẩm, tăng 43% so với cuối năm ngoái.
Báo cáo tài chính của 10 doanh nghiệp bất động sản phát triển mảng nhà ở niêm yết trên sàn chứng khoán cũng chỉ ra, tổng giá trị tồn kho tính tới 31/6 là hơn 269.135 tỷ đồng, tăng gần gần 3% so với cùng kỳ. Thực tế, trong những năm qua giá trị tồn kho của nhiều doanh nghiệp không giảm mà ngày càng “phình to”.
Thậm chí, báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trước đó cho biết, cá biệt có một doanh nghiệp bất động sản ghi nhận số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày, phải mất đến 149 năm mới bán hết được giỏ hàng.
Hàng tồn kho được xem là “con dao hai lưỡi” đối với doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh hiện nay. Bởi, hàng tồn kho vừa là “của để dành”, song cũng có tiềm ẩn nguy cơ xấu nếu đa phần là các dự án dang dở do pháp lý vướng mắc hoặc các sản phẩm không phù hợp với thị trường hiện nay.
Do đó, việc tăng hàng tồn kho nếu trong kế hoạch sẽ là lợi thế để doanh nghiệp phát triển nhanh. Song, đặt trong bối cảnh thị trường còn nhiều điểm nghẽn đang trói chân các nhà đầu tư thì cũng là vấn đề đang lo ngại.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ tồn kho bất động sản là "con dao hai lưỡi", để từ đó có những kế hoạch phát triển doanh nghiệp cũng như cơ cấu tài sản phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chưa rõ ràng về khả năng hồi phục thì việc ôm quá nhiều hàng tồn kho không phải là các sản phẩm bất động sản sẽ rất đáng lo ngại.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lại cho rằng, cái đáng lo nhất đối với hàng tồn kho là đã hoàn thiện và được đưa ra thị trường nhưng thị trường không chấp nhận bởi thanh khoản của sản phẩm thấp.
Các chuyên gia lưu ý, đối với doanh nghiệp kinh doanh yếu, dùng đòn bẩy tài chính cao, thì hàng tồn kho lớn sẽ là “núi nợ” đè lên vai doanh nghiệp, nếu sản phẩm không có tính thanh khoản, thì doanh nghiệp sẽ gặp khó, chịu áp lực kinh tế rất cao.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm