Thị trường hàng hóa
Giới phân tích nhận định đợt tăng lãi suất mới của Mỹ sẽ gây ra áp lực rất lớn buộc các NHTW ở châu Á phải đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Bởi nếu không làm như vậy, các nền kinh tế châu Á sẽ đối mặt với nguy cơ dòng vốn bị rút ra và đồng nội tệ giảm giá mạnh hơn.
Những yếu tố khác cũng phát đi tín hiệu đáng ngại, bao gồm lãi suất sau khi đã trừ đi lạm phát và chênh lệch lợi suất của các trái phiếu trong khu vực so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Nền kinh tế đang phải chịu nhiều áp lực nhất chính là Thái Lan, vì NHTW nước này đang giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục
Hàn Quốc và New Zealand, những nước đã sớm tăng lãi suất đang có được một vị thế tốt hơn, nhưng cũng không miễn nhiễm khỏi khó khăn. Mới đây Singapore và Philippines cũng vừa tăng lãi suất sau khi tổ chức những cuộc họp bất thường.
Điều này cho thấy, các NHTW ở châu Á đang nghiêng về điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách vội vã, trong bối cảnh lạm phát gây ra những ảnh hưởng mạnh hơn dự kiến ban đầu. Nhiều áp lực đang gia tăng đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở châu Á trong vấn đề bình thường hoá lãi suất.
Khi Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, phần chênh lệch cao hơn giữa lãi suất cơ bản của phần lớn các nước châu Á với lãi suất của Fed được coi là “tấm nệm đỡ” về lãi suất cho các nền kinh tế khu vực này sẽ giảm đi. Điển hình như khoảng cách giữa lãi suất cơ bản của Indonesia và Mỹ đã bị thu hẹp xuống chỉ còn 1 điểm phần trăm, giảm mạnh so với mức 3,3 điểm phần trăm trung bình 5 năm gần đây.
Chênh lệch lãi suất bị thu hẹp khiến dòng vốn bị rút ròng ra khỏi thị trường trái phiếu của Thái Lan, Indonesia và Malaysia kể từ đầu tháng 6.
Đối với các NHTW đã nhanh chân hơn trong việc tăng lãi suất như Australia và Hàn Quốc, khoảng cách gần bằng 0. New Zealand là nước duy nhất vẫn có chênh lệch lãi suất lớn hơn so với mức trung bình 5 năm.
Trong trường hợp của Thái Lan, độ lệch chuẩn là 4. Chênh lệch lãi suất ngày càng thu hẹp với Mỹ đã dẫn tới sự thoái vốn ròng khỏi thị trường trái phiếu Thái Lan, Indonesia và Malaysia từ tháng 6 đến nay.
Mặc dù, một số NHTW ở khu vực châu Á đã quyết liệt trong việc kìm tốc độ leo thang của giá cả, nhưng lãi suất cơ bản của các nước này hiện vẫn đang thấp hơn mức bình quân của 5 năm, thậm chí nhiều nền kinh tế còn đang trong trạng thái âm. Lạm phát đang ở mức cao nhất 23 năm ở Hàn Quốc, 21 năm ở Australia và 14 năm ở Thái Lan.
Đây có thể chưa phải điều tồi tệ nhất, vì giá hàng hoá cơ bản tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục đẩy chi phí nhập khẩu lên. Ở chiều ngược lại, lạm phát tại Ấn Độ đã bắt đầu hạ nhiệt do mùa mưa đến giúp ích cho ngành nông nghiệp. Áp lực tăng lãi suất cũng vì thế mà giảm theo.
Từ mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu châu Á và trái phiếu Mỹ có thể thấy sức hút của trái phiếu phát hành từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đang ở mức thấp. Lợi suất trái phiếu chính phủ Malaysia kỳ hạn 10 năm đang lệch chuẩn hơn 1 độ so với tiêu chuẩn là mức bình quân 5 năm.
Bên cạnh đó, chênh lệch so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đang giảm dần đối với trái phiếu của các nước Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia. Bởi vậy, ngân hàng trung ương tại các nước này có thể cần phải đẩy nhanh thắt chặt để kéo lợi suất trái phiếu lên, ngăn dòng vốn chảy đi và giảm bớt áp lực đối với tỷ giá đồng nội tệ.
Trong một diễn biến khác, các quốc gia sớm tăng lãi suất nhanh như Hàn Quốc, New Zealand và Australia đã hỗ trợ cho lợi suất trái phiếu của họ, góp phần tạo ra chênh lệch lợi suất hấp dẫn hơn so với trái phiếu kho bạc Mỹ.
Những thách thức này được liệt kê không bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc. Vì NHTW Nhật Bản (BOJ) vẫn tiếp tục theo đuổi cam kết lãi suất suất âm và chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Còn NHTW Trung Quốc (POBC) thì đang bơm mạnh thanh khoản để vực dậy nền kinh tế vì khủng hoảng địa ốc và “tác dụng phụ” của chính sách chống dịch Zero Covid.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm
Business Networking
Mạng lưới kết nối của Trí Tuệ Mới