Thị trường hàng hóa
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, khác với cuộc khủng hoảng năm 2011 là dư cung, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản hiện nay là dư cầu.
"Đặc điểm của khủng hoảng dư cầu bao giờ cũng kết thúc nhanh hơn khủng hoảng dư cung. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, dư cầu ở phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân", TS Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhiều lần đưa ra nhận định, phân khúc nhà ở giá rẻ có nhu cầu cao trên thị trường nhưng thiếu nguồn cung trầm trọng. Trong năm 2022, thị trường Hà Nội có hơn 28.800 sản phẩm, bao gồm cả hàng tồn kho, nhưng chỉ có gần 3.400 căn hộ phân khúc bình dân. Tại TPHCM, trong gần 27.400 căn hộ chào bán trên thị trường, phân khúc bình dân chỉ có 128 căn hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, người thu nhập trung bình tại Hà Nội có xu hướng dịch chuyển ra các huyện vùng ven, nơi hệ thống hạ tầng kết nối chưa được hoàn thiện để mua nhà. Tình trạng này sẽ diễn ra ở các đô thị khác trong tương lai gần nếu như không hoạch định lại cơ chế cấp phép dự án.
Còn theo ghi nhận của Savills Việt Nam (Tập đoàn Tư vấn đầu tư bất động sản quốc tế Savills), trong quý III-2023, phân khúc căn hộ bình dân có hơn 650 giao dịch, cao gấp 3 lần so với căn hộ trung cấp và gấp 15 lần so với căn hộ hạng sang. Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở giá rẻ luôn ở mức cao.
Dự báo, nguồn cung nhà ở giá rẻ khó cải thiện trong thời gian ngắn vì chi phí phát triển quỹ đất đang tiếp đà tăng.
Trước thực tế đang diễn ra, giới chuyên gia cho rằng, cần tăng mạnh nguồn cung phân khúc nhà ở giá rẻ, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Hiện nay, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn vàng để tăng sức bền, tái cấu trúc và phục hồi, bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.
"Nguồn cung các dự án cần được phát triển cân đối, đặc biệt cần tăng cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của đa số người dân bên cạnh việc duy trì hoạt động cân bằng của các phân khúc khác trên thị trường", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính nhấn mạnh.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ hiện là cơ sở pháp lý vững chắc để doanh nghiệp và địa phương phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc thị trường.
Để Đề án được thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sự hỗ trợ của Chính phủ cho phân khúc nhà ở giá rẻ nên theo hướng không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà đầu tư phát triển dự án và không buộc họ phải chịu ràng buộc bởi các chính sách về đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội. "Nói cách khác, phải giải phóng doanh nghiệp bất động sản tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ khỏi các ràng buộc của chính sách khuyến khích, ngoài việc miễn thuế, quyền sử dụng đất và hạn mức tín dụng đầy đủ với lãi suất hợp lý", TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phải hướng trực tiếp đến người mua nhà. Có như vậy, nguồn cung nhà ở xã hội mới tăng nhanh và sớm khắc phục khủng hoảng cơ cấu phân khúc. Trên nền tảng đó, bất động sản có một mặt bằng giá mới, không bị đầu cơ và mặt bằng giá này sẽ tái cấu trúc thị trường.
Đồng thời, các chính sách cần lưu ý tránh tình trạng nới lỏng tín dụng, tháo gỡ riêng cho phân khúc nhà cao cấp, vì như vậy thị trường bất động sản sẽ phục hồi trên nền tảng cũ, nghĩa là giá cả do đầu cơ tăng cao và nhà mua rồi bỏ hoang, trong khi người cần nhà và có khả năng thanh toán hợp lý thì không có nhà ở.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để khuyến khích các chủ đầu tư quan tâm thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp cần xác định về mặt nguyên tắc, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để cho các đối tượng được Chính phủ quy định thuê hoặc thuê mua.
"Do vậy, Chính phủ cần xác định rõ đề bài, để các địa phương hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, xây dựng", ông Đinh Trọng Thi nhj nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chính phủ, chính quyền các địa phương cần xác định rõ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của 4 ngân hàng lớn, nhằm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm và kích cầu mua bán bất động sản.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm