Thị trường hàng hóa
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, 2022 là năm các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều thách thức, có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu là do khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, khó phát hành trái phiếu và huy động vốn từ khách hàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.
Báo cáo về thị trường trái phiếu Việt Nam của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm qua đạt 255.163 tỷ đồng, giảm 66% so với năm trước đó.
Giá trị phát hành của hầu hết các nhóm ngành trong năm 2022 đều sụt giảm so với năm trước, thậm chí phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm tới 80,8% so với cùng kỳ trong bối cảnh xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi về mặt vĩ mô.
Đáng chú ý, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có "sức khỏe" tài chính ở mức yếu rất báo động và đặc biệt là thiếu minh bạch.
Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo "Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023" của FiinRatings (đơn vị chuyên cung cấp thông tin về tài chính, có văn phòng tại Việt Nam).
Trong 2 năm tới, gánh nặng đáo hạn của ngành bất động sản sẽ lên tới 230,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường. Trong khi đó, phần lớn các trái phiếu trên được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn. Do vậy, FiinRatings nhận định rủi ro thanh khoản và rủi ro tái cấp vốn của các doanh nghiệp cao hơn.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, năm 2023, thị trường sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng.
Tính riêng trong tháng 1/2023, có gần 17,5 nghìn tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10,5 nghìn tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5,9 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, trong thời gian tới, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Do vậy, để thanh toán trái phiếu đến hạn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, các nhà phát hành có nhiều phương cách khác nhau như doanh nghiệp có dòng tiền, có lợi nhuận để thanh toán cho trái chủ.
“Nếu không có, họ có thể bán tài sản như bất động sản hoặc những tài sản khác để tạo ra dòng tiền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đàm phán với các trái chủ để gia hạn trái phiếu của mình hoặc đàm phán để chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Nếu tất cả những phương cách trên đều không khả thi, cuối cùng các nhà phát hành có quyền ra tòa mở thủ tục phá sản, đây là cách cuối cùng và rất nguy hiểm cho nền kinh tế Việt Nam. Vì nếu một nhà phát hành tuyên bố phá sản có thể sẽ kéo theo nhiều nhà phát hành khác", TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích với báo chí.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tín dụng cho doanh nghiệp và coi đây là "nút thắt cần gỡ để khơi thông cho các thị trường khác liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp". Trong tháng 2 này, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm