Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ, trong nửa đầu năm 2022, “metaverse” xuất hiện khoảng hơn 1.100 lần trong hồ sơ (regulatory filing) của các công ty trên sàn chứng khoán. Một năm trước đó, con số này mới chỉ là 260 lần.
Hiện nay, Amazon, Apple, Google, Microsoft, Nvidia và Tencent, sáu trong số các công ty lớn nhất thế giới, đang đua nhau xây dựng metaverse. Hồi tháng 1/2022, Microsoft thông báo chi trả khoản tiền 75 triệu USD cho công ty chuyên về trò chơi điện tử Activision Blizzard để công ty này hỗ trợ xây dựng metaverse. Theo ước tính của McKinsey & Company - công ty tư vấn doanh nghiệp, tổng số vốn đầu tư liên quan tới metaverse lên tới 120 tỷ USD chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm nay.
Ý tưởng về metaverse đã tồn tại từ cả thế kỷ nay, nhưng thuật ngữ metaverse xuất hiện cách đây chỉ khoảng 30 năm, đầu tiên là trong các tiểu thuyết… khoa học viễn tưởng. Trong cuốn Snow Crash (1992), tác giả Neal Stephenson miêu tả một thế giới hiện tại ảo (virtual reality-VR). Đó là một thế giới metaverse do máy tính tạo ra, con người giao tiếp, làm việc và giải trí trong thế giới này, nhờ vào kính ảo và kết nối internet.
Metaverse nghe có vẻ rất giống Matrix - thế giới ảo trong bộ phim nổi tiếng cùng tên, nhưng Matrix lại là một vũ trụ giả lập mà hầu như tất cả mọi người sống cả cuộc đời ở đây. Metaverse là thế giới ảo tồn tại song song với thế giới thực, nơi người ta có thể lựa chọn kết nối với nó, hay không.
Tất nhiên, ở thời điểm này, metaverse chưa thực sự định hình, và đối với phần lớn chúng ta, nó vẫn còn khá vô hình. Nhưng phải thừa nhận rằng thế giới của chúng ta hiện nay đang thay đổi một cách chóng mặt nhờ vào công nghệ. Chúng ta chuyển nhanh từ máy tính bàn kết nối internet tới di động rồi tới công nghệ đám mây.
Hiện nay, internet tồn tại ở mọi quốc gia, với khoảng 40.000 mạng máy tính, hàng triệu ứng dụng, hàng tỷ máy chủ, khoảng hơn hai tỷ trang web cũng như hàng chục tỷ thiết bị. Những công nghệ nói trên đều có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu, hoặc kết nối với nhau. Tuy nhiên, để xây dựng và vận hành metaverse - nơi có số lượng khổng lồ người tham gia tương tác, nhìn nhận thẳng thắn rằng hệ thống hiện nay chưa đáp ứng được, cũng như cần vô số các thiết bị điện tử mới để có thể tham gia vào metaverse như đã được hình dung.
Metaverse hoàn toàn có thể là “kỷ nguyên thứ 4”, sau sự xuất hiện của máy tính lớn (mainframe) từ những năm 1950, tiếp theo là máy tính cá nhân, internet từ những năm 1980, thiết bị di động và điện toán đám mây mà chúng ta đang dùng ngày nay. Theo David Chalmers, triết gia, giáo sư về khoa học thần kinh của trường New York University, metaverse sẽ dần trở thành “hiện thực”. Cùng quan điểm với ông, không ít chuyên gia cũng dự đoán rằng metaverse sẽ “tái tạo tương lai”.
Theo nghiên cứu của Pew Research Center, 54% các chuyên gia được phỏng vấn cho rằng tới năm 2040 thì metaverse sẽ trở nên hoàn hoàn “đắm chìm”. Tức metaverse có kết cấu ba chiều, nơi người sử dụng có thể tương tác và cảm giác như thật và sẽ có thể vận hành mọi thao tác của đời sống hàng ngày của hàng trăm triệu người.
Tất nhiên, một số người vẫn hy vọng rằng metaverse chỉ dừng lại ở trò chơi giả tưởng. Theo họ, các ông lớn công nghệ đã và đang có ảnh hưởng quá lớn tới cuộc sống của chúng ta và metaverse sẽ là một bước kiểm soát khác sâu rộng hơn nhiều. Tim Sweeney, nhà sáng lập kiêm CEO của Epic Games, từng nói rằng: “Nếu một công ty giành được quyền kiểm soát metaverse, họ sẽ có quyền lực hơn bất kỳ chính phủ nào”.
Dẫu cho có ủng hộ hay không, thực tế chỉ ra lợi ích kinh tế của metaverse là không thể bàn cãi. Theo Citi and KPMG, metaverse sẽ đạt giá trị doanh thu 13 tỷ USD/năm vào năm 2030. Jensen Huang, nhà sáng lập của Nvidia, tin rằng GDP của metaverse một ngày nào đó sẽ “vượt cả GDP của thế giới thực”.
Metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo) là một thế giới “kéo dài” của thế giới thực, trong đó mỗi cá nhân sẽ được thể hiện qua dạng avatar và sống trong một không gian ba chiều (3D). Điều đó có nghĩa là người tham gia metaverse có thể tự do lựa chọn hình ảnh đại diện, tương tác với các thành viên khác hay cũng có thể di chuyển trong thế giới ảo nhờ vào kính thực tế ảo và nhiều công cụ hỗ trợ khác. Metaverse có thể hướng tới nhiều mục đích khác nhau, như giải trí, giáo dục, công việc hay kinh doanh.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm