Thị trường hàng hóa
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Tính đến 31/5/2024, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 1,15% so với cuối năm 2023). Còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ.
Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2023 đạt khoảng 1,093 triệu tỷ đồng, như vậy tính đến cuối tháng 5, các ngân hàng đã cho các chủ đầu tư dự án vay thêm hơn 180.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo cáo cập nhật ngành bất động sản vừa công bố, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết do các chậm trễ về pháp lý và phát triển dự án từ cuối 2022, doanh thu và lợi nhuận của các chủ đầu tư tiếp tục sụt giảm trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất thấp và số lượng dự án được phê duyệt tăng từ cuối 2023, khả năng doanh số bán hàng và dòng tiền của các chủ đầu tư dự báo sẽ cải thiện nhẹ trong 12 - 18 tháng tới khi các dự án mới mở bán.
Nhóm phân tích cho rằng khung pháp lý bất động sản mới sẽ hỗ trợ thúc đẩy tiến độ phát triển dự án và gia tăng nguồn cung nhà ở mới. Ba luật về bất động sản được phê duyệt có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024 sẽ giúp đẩy nhanh phê duyệt pháp lý dự án và cải thiện nguồn cung từ 2025.
Theo nhóm phân tích, tỷ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư địa ốc sẽ duy trì ở mức cao khi các công ty này tăng cường sử dụng nợ vay để phát triển các dự án mới. Trong quý I/2024, tỷ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư niêm yết có xu hướng tăng, thể hiện bằng chỉ số nợ vay/EBITDA tăng lên mức 3,4 lần từ mức nhỏ hơn 2 lần trong giai đoạn trước năm 2022 do lợi nhuận ở mức yếu và dư nợ gia tăng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm