Thị trường hàng hóa
Ngân hàng ngoại bật tăng
Lãi suất huy động đang tiếp tục tăng cao, từ đó gây áp lực lên hoạt động cho vay. Trong bối cảnh, lãi suất cho vay được tin là “nóng” theo huy động thì một số ngân hàng như Vietcombank, HDBank và mới nhất là ACB đã tung ra các gói giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bất động sản hay cho vay mua ô tô không nằm trong danh sách các lĩnh vực được ưu tiên. Chính vì vậy, không dễ cho khách hàng mua ô tô nhận được những ưu đãi lớn từ hệ thống ngân hàng.
Hiện tại, lãi suất cho vay mua mua ô tô tháng 12 đang nhích nhẹ so với tháng 10/2022 và tăng đáng kể so với cuối năm 2021.
Cụ thể, kể từ tháng 11, Ngân hàng Woori Bank của Hàn Quốc mạnh tay điều chỉnh bảng niêm yết. Theo đó, so với tháng 10/2022, lãi suất cho vay mua ô tô trong 12 tháng đầu tăng từ 8,4%/năm lên 9,1%/năm, trong 24 tháng tăng từ 8,7% lên 9,4%, trong 36 tháng tiếp theo tăng từ 9,2%/năm lên 9,9%/năm.
Như vậy, lãi suất cho vay mua ô tô tại Woori Bank đồng loạt tăng 0,7%/năm chỉ sau hơn 1 tháng.
Một ngân hàng ngoại khác là UOB đến từ Singapore cũng mạnh tay tăng lãi suất cho vay mua ô tô. Theo đó, trong 12 tháng đầu, lãi suất cố định ở mức 8,99%, tăng mạnh so với con số 7,89% hồi tháng 10/2022. Trong 12 tháng và 24 tháng tiếp, mức lãi suất lần lượt là 9,49%/năm và 9,99%/năm. Hồi tháng 10, các con số này chỉ là 8,29%/năm và 8,49%/năm.
Trong khi đó, cách đây đúng 1 năm, lãi suất cho vay mua ô tô tại UOB dao động từ 5,88%/năm tới 8,92%.
Với đà tăng cao nhất 1,54%/năm, UOB thậm chí còn vượt trội so với Woori Bank về tốc độ tăng lãi suất cho vay mua ô tô.
Ngân hàng nội đứng im
Trong khi đó, lãi suất cho vay mua ô tô tại nhiều ngân hàng nội vẫn đứng im so với tháng 10/2022. Tuy nhiên, trước đó, lãi vay tại khối này đã tăng từ trước và cao vượt trội so với ngân hàng ngoại.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietcapitalBank) ghi nhận mức cao nhất với 13,8%/năm áp dụng cho thời gian vay từ tháng 13 trở đi. Còn trong 12 tháng đầu, mức chi trả của khách hàng thấp hơn khá nhiều, chỉ là 8,49%/năm.
Đứng ngay sau VietcapitalBank là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank). Trong 6 tháng đầu tiên, khách hàng vay vốn được hưởng mức 8,4%/năm. Nhưng sau đó, từ tháng 7 trở đi, mức này tăng lên 12,4%/năm.
Khá nhiều đơn vị có mức lãi suất cho vay mua ô tô trên 8%/năm như MSB (8,99%/năm), OCB (8,3%/năm). ACB, Techcombank và Vietcombank duy trì mức lãi khá thấp, chỉ 6,5%/năm, 6,7%/năm và 6,75%/năm.
Có thể thấy, nhiều ngân hàng cả trong nước và ngoài nước đều áp dụng chính sách lãi suất thấp trong 6 đến 12 tháng đầu tiên. Các năm còn lại, lãi suất cao hơn rất nhiều. Mức chênh này là 4% tại PVCombank, 5,31% tại VietcapitalBank), 0,8%/năm tại Woori Bank và là 1% tại UOB.
Chấp nhận lãi suất cao cũng không dễ tiếp cận vốn
Mặc dù lãi suất cho vay mua ô tô đang cao hơn nhiều tháng trước đây, đặc biệt là 1 năm về trước nhưng nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng ký hợp đồng. Thời điểm này, nhu cầu mua ô tô có xu hướng tăng lên vì không ít người mong muốn có xế hộp đón Tết.
Thế nhưng, ngay cả khi chấp nhận vay vốn “đắt” hơn, cũng không dễ tiếp cận dòng vốn tín dụng.
Anh Nguyễn Quang (Lương Sơn – Hòa Bình) chia sẻ từ đầu năm nay do có kế hoạch mua ô tô để chơi Tết nên anh cố gắng gom góp 300 triệu đồng. Còn thiếu hơn 300 triệu đồng, anh Quang quyết định tìm đến ngân hàng. Anh Quang cho biết mức lãi suất mà anh được chào mời là 12,5%/năm.
“12,5% là mức cao so với mặt bằng chung trên thị trường hiện nay nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Hơn nữa, do tôi dự báo trong vài tháng tiếp theo, lãi suất có thể tăng cao hơn nữa nên tôi chốt phương án 12,5%. Tuy nhiên, cuối cùng tôi lại bị từ chối vì ngân hàng… hết room”, anh Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, vào chiều muộn ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông tin sẽ nới room tín dụng, anh Quang hy vọng những người có hồ sơ “không đẹp lắm” như anh sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm