Thị trường hàng hóa
Chỉ số Jakarta Composite, chỉ số tổng hợp đo lường sự biến động của toàn bộ các loại cổ phiếu niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia, đã phải đối mặt với một số khó khăn trong năm 2022. Nhưng tính đến hết ngày 3/10, đây là chỉ số châu Á-Thái Bình Dương chính hoạt động tốt nhất trong năm. Chỉ số Jakarta Composite đã tăng 6,51% kể từ đầu năm.
Ngược lại, chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông, Kospi của Hàn Quốc và Taiex của Đài Loan đã giảm hơn 25% trong năm nay. Chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen của Trung Quốc đại lục cũng bị ảnh hưởng, giảm lần lượt gần 17% và 27%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, Nifty 50 của Ấn Độ và SET của Thái Lan có kết quả tốt hơn - ghi nhận mức giảm nhẹ lần lượt là 8,9%, 2,69% và 6,01%.
Chỉ số Straits Times của Singapore tăng trưởng tốt thứ hai trong khu vực, chỉ giảm 0,53%.
Theo Maynard Arif, người đứng đầu bộ phận chứng khoán Indonesia tại DBS Group Research, đầu tư nước ngoài vào chứng khoán đã khiến chỉ số Jakarta Composite tăng cao hơn. Ngoài ra, giá hàng hóa tăng mạnh có lợi cho nguồn thu từ xuất khẩu của Indonesia cũng như cán cân thương mại của nước này. Ông Arif cho biết DBS vẫn lạc quan về Indonesia, mặc dù quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối mặt với những khó khăn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và đồng USD tăng mạnh dẫn đến dòng chảy cho trái phiếu chính phủ trong năm nay.
Tuy nhiên, Manishi Raychaudhuri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương của BNP Paribas, nhận định thị trường Indonesia sẽ gặp bất ổn khi giá hàng hóa bình ổn trở lại. "Khi giá năng lượng giảm, chúng tôi khuyên bạn nên thận trọng và có cách tiếp cận nhanh nhạy đối với lĩnh vực năng lượng nói riêng và với thị trường Indonesia nói chung", ông Raychaudhuri cho biết.
Suresh Tantia, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại ngân hàng Credit Suisse, cho biết các nhà đầu tư có xu hướng chuộng khu vực Nam Á hơn Bắc Á do lơ sợ phụ thuộc vào xuất khẩu của các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. "Hàn Quốc và Đài Loan có thể gặp thêm một số áp lực, như tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, đồng nội tệ suy yếu và nhu cầu đối với lĩnh vực chip giảm", ông Tantia phân tích.
Timothy Moe, Giám đốc chiến lược cổ phần khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Goldman Sachs, cho biết có ba động lực tích cực cho các thị trường Đông Nam Á. Đó là đà tăng trưởng kinh tế được cải thiện sau thời kỳ đại dịch, ngành ngân hàng đóng góp tỷ trọng lớn trong các chỉ số chứng khoán và được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng. Ngoài ra, các công ty kinh tế kỹ thuật số đang dần phát triển hơn và được đưa vào các chỉ số ở Indonesia và Singapore.
Chuyên gia này nhận định, Đông Nam Á là khu vực “được cách ly tương đối”, ít bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở châu Âu, vì Nga và Ukraine chỉ chiếm chưa đến 1% hoạt động xuất khẩu của trong khu vực.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm