Thị trường hàng hóa
Sáng 8/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tại Hội nghị, một trong những đề xuất quan trọng mà nhiều doanh nghiệp đưa ra chính là giảm lãi suất.
Dù vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) khẳng định giảm lãi suất không quan trọng bằng giãn nợ.
Cần giảm lãi suất cho vay bất động sản
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup đã phân tích những tồn tại với lãi suất bất động sản.
Cụ thể, hiện tại, bất động sản là ngành bị đánh giá có hệ số rủi ro cao, lên đến 200% so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Kết quả là lãi suất cho vay bất động sản luôn cao hơn các ngành khác, từ đó ảnh hưởng đến chủ đầu tư và khác hàng.
Nhưng ông Phạm Thiếu Hoa cho rằng, với dự án bất động sản có đầy đủ mọi thứ sẽ không có rủi ro so với các ngành khác.
“Các lĩnh vực khác có thể ảnh hưởng bởi thiên tài, bão gió. Các dự án bất động sản khi đã đầy đủ pháp lý, quy mô thì nên xem xét, không đưa vào rủi ro nữa”, ông Phạm Thiếu Hoa nhận định.
Bên cạnh đó, theo đại diện của Vingroup, room (hạn mức) cho vay bất động sản cũng hạn chế, góp phần khiến lãi suất tăng cao.
Trong khi đó, đại diện Sun Group đề xuất ngành bất động sản du lịch nên có cơ chế riêng vì đây là ngành đặc thù. Tại các dự án, chủ đầu tư không chỉ xây dựng nhà ở mà còn phải xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đi kèm. Cầu Vàng là ví dụ điển hình. Các công trình đó được xây dựng nhưng không để bán nên phải đầu tư lâu dài. Với ngành du lịch, đó là những công trình vô cùng cần thiết để tạo điểm nhấn, thu hút du lịch.
Thế nhưng, bất động sản du lịch lại được coi là bất động sản thông thường nên khó tiếp cận vốn vay và vốn vay có lãi suất cao, từ 14% đến 17%/năm.
Vì vậy, đại diện Sun Group đề nghị cần có cơ chế riêng cho bất động sản du lịch, từ đó tháo gỡ lãi vay.
Giảm lãi suất không quan trọng bằng giãn nợ, cơ cấu nợ
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu khẳng định hiện nay, cái khó nhất là cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, từ đó giúp doanh nghiệp được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới.
Không sợ lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại dù lãi suất đang tăng trên dưới 13%/năm. Lãi suất đó chúng tôi chịu được. Khổ nhất là đối với các doanh nghiệp lỡ nhảy nhóm nợ, qua nhóm 2, 3. Nhóm 4 không bàn rồi”, ông Lê Hoàng Châu nhiều lần nhấn mạnh vào yếu tố “nhảy nhóm nợ”.
Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị với các doanh nghiệp có nợ rơi vào nhóm 2, 3, ngân hàng nên nới một chút.
Trong khi đó, đại diện Novaland chia sẻ với câu chuyện tái cấu trúc của Tập đoàn.
Từ tháng 11/2022, thị trường có nhiều biến động, cả tài chính và bất động sản. Novaland đối diện nhiều khó khăn. Novaland đã kết hợp với hãng luật, kiểm toán tiến hành tái cấu trúc.
Đại diện Novaland cho biết với các chủ nợ quốc tế, họ nhìn nhận đây là rủi ro hệ thống, áp dụng biện pháp tạm thời để tiến đến tái cơ cấu các khoản nợ, để các khoản nợ phù hợp với tình hình đang diễn ra giúp doanh nghiệp không rơi vào tình các khoản nợ đến hạn.
Đến các khoản vay trong nước, đại diện Novaland chia sẻ Tập đoàn có nhiều khó khăn. Vì vậy, Novaland mong được tái cấu trúc nợ trong 24 đến 36 tháng.
Đại diện Hưng Thịnh Land cũng đề cập tới việc cơ cấu nhóm nợ. Hiện nay, Hưng Thịnh Land chưa nhảy nhóm nợ chứ không phải không. Theo vị đại diện này, nếu không nhận được hỗ trợ từ chính sách, tới thời điểm nào đó, nhảy nhóm nợ có thể xảy ra.
Về chính sách lãi suất, tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết kiệm giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Về chính sách tín dụng, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tín dụng phù hợp với diễn biến thực tế, chỉ đạo tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng để cung ứng vốn cho nền kinh tế.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm