Thị trường hàng hóa
Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, giá dầu thế giới sáng ngày 14/9 (theo giờ Việt Nam) cụ thể là: Dầu thô WTI của Mỹ tăng nhẹ 0,16 USD/thùng, đạt mức 88,42 USD/thùng, giá dầu Brent ở mức 93,95 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng do lo ngại về nguồn cung nhiên liệu thắt chặt trước mùa đông tại châu Âu và nhu cầu giảm ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Việc giới hạn mức tăng đối với giá dầu đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm khi Trung Quốc tiếp tục áp đặt các chính sách chống Covid-19.
Tại Mỹ, theo dữ liệu công bố của Bộ Năng lượng, Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) đã giảm 8,4 triệu thùng, giảm xuống còn 434,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/9, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1984.
Tháng 3 năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ - Joe Biden đã đặt ra kế hoạch giải phóng 1 triệu thùng mỗi ngày trong vòng sáu tháng từ SPR để giải quyết giá nhiên liệu cao của Hoa Kỳ, thứ vốn đã góp phần gây ra lạm phát.
Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy, dự trữ dầu thương mại của Mỹ dự kiến sẽ giảm trong 5 tuần liên tiếp, giảm khoảng 200.000 thùng trong tuần tính đến ngày 9/9.
Triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân của châu Âu với Iran vẫn còn khá mờ mịt. Ngày 12/9, Đức đã bày tỏ sự tiếc nuối khi Tehran không phản ứng tích cực với các đề xuất của châu Âu nhằm khôi phục thỏa thuận năm 2015.
Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu sẽ cố gắng thông qua các biện pháp mới trong toàn khối để giảm giá khí đốt và điện tăng cao tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 30/9 sắp tới, sau khi Brussels công bố các đề xuất trong tuần này.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Séc - Jozef Sikela cho biết, Bộ trưởng Năng lượng của các nước EU sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp, tạo cơ hội cho các nước ký kết các đề xuất của EU và vượt qua sự chia rẽ giữa các nước để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, 27 nước thành viên của EU sẽ cố gắng hiện thực hóa các đề xuất thành luật cuối cùng mà tất cả chấp thuận.
Diễn đàn Năng lượng Quốc tế và nghiên cứu của S&P Global cho thấy công suất lọc dầu thô đã giảm kỷ lục 3,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 3/2020 đến giữa năm 2022. Báo cáo cũng cho biết công suất giảm do nhu cầu dầu tăng 5,6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ. Điều này gây áp lực buộc tất cả công suất lọc dầu hiện có phải chạy ở mức sử dụng cao để đáp ứng nhu cầu.
Các thị trường sản phẩm dầu đã trải qua biến động mạnh kể từ khi đại dịch Covid-19 được công bố vào tháng 3/2020. Trong khi đại dịch làm suy giảm nhu cầu trên toàn cầu và giết chết tỷ suất lợi nhuận, sự phục hồi sau đại dịch và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã thắt chặt thị trường nhiên liệu mạnh mẽ, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp kỷ lục vào đầu năm nay.
Báo cáo cho biết, thời gian công suất lọc dầu giảm diễn ra vào lúc tồn kho nhiên liệu toàn cầu đang khan hiếm và do xuất khẩu nhiên liệu của Nga và Trung Quốc đang bị hạn chế. Các lệnh trừng phạt và cấm vận đã khiến thị trường thiếu hụt gần 3 triệu thùng/ngày các sản phẩm của Nga.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán các mặt hàng xăng dầu trên thị trường sáng ngày 12/9 như sau: xăng RON 95 giá không cao hơn 23.215 đồng/lít, E5 RON 92 giá không cao hơn 22.231 đồng/lít. Dầu diesel giá không cao hơn 24.180 đồng/lít, dầu hỏa giá không cao hơn 24.418 đồng/lít, dầu mazut còn 15.039 đồng/kg.
Mức trích lập vào quỹ với xăng vẫn giữ nguyên nhưng tăng với dầu. Cụ thể, RON 95-III vẫn trích 493 đồng/lít; E5 RON 92 là 451 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel tăng trích lập từ 0 lên 90 đồng/lít, dầu hoả cũng từ 0 đồng lên 200 đồng/lít và dầu mazut tăng 100 đồng/lít lên 741 đồng/kg.
Mức giá có hiệu lực từ 15h ngày 12/9 cho đến kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo của liên Bộ Công Thương - Tài Chính.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm