Thị trường hàng hóa
Giá dầu thế giới sáng ngày 10/9 (theo giờ Việt Nam) theo Oilprice cụ thể là: Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,9 USD/thùng, lên mức 85,4 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 1,68 USD/thùng, lên 91,07 USD/thùng.
Giá dầu tăng bởi thực tế về khả năng cắt giảm nguồn cung, mặc dù trước đó dầu thô được dự đoán sẽ giảm do việc tăng lãi suất mạnh mẽ và chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu.
Nhu cầu dầu ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, có thể giảm lần đầu tiên sau hai thập kỷ trong năm nay do chính sách Zero Covid tại Bắc Kinh. Điều này có thể giới hạn lượng tiêu thụ của nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và làm giảm giá dầu toàn cầu.
Sun Jianan, một nhà phân tích của Energy Aspects, cho biết nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay Trung Quốc có thể giảm 380.000 thùng/ngày xuống 8,09 triệu thùng/ngày trong năm nay, đây sẽ là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2002. Trong khi đó, năm 2021, nước này có nhu cầu tăng 450.000 thùng/ngày, tương đương 5,6%. Energy Aspect's Sun cho biết thêm rằng, nhu cầu ở Trung Quốc có thể giảm hơn nữa nếu trường hợp Covid-19 tăng lên.
Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm 4,7%, mức giảm đầu tiên trong khoảng thời gian 8 tháng kể từ năm 2004.
Bất chấp sự phục hồi về giá, mức giá tiêu chuẩn dầu thô đều hướng tới mức giảm hàng tuần hơn 2%, trong đó dầu Brent trong tuần này chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Các hóa đơn năng lượng vốn đã cao khi nhu cầu về khí đốt phục hồi từ đại dịch Covid-19, hiện đã tăng vọt kể từ tháng 2 tới nay. Khi Nga giảm vận chuyển khí đốt sang châu Âu sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây, các chính phủ EU đã cố gắng hạn chế cú sốc về giá năng lượng.
Đề xuất của EU về giới hạn giá khí đốt của Nga hiện nay không nhận được sự ủng hộ từ phần lớn các quốc gia. Đồng thời Nga đe dọa sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung đang cạn kiệt nếu việc giới hạn giá trở thành hiện thực.
Các quốc gia vùng Baltic nằm trong số những người ủng hộ ý tưởng này, tuy nhiên, các quốc gia Trung và Đông Âu - những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Nga lại lo sợ mất hết nguồn cung cấp, trong khi một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu giới hạn có tác động nhiều đến việc giảm giá hay không.
Ủy ban châu Âu trong tuần này cho biết, họ sẽ đề xuất một biện pháp nhằm thu hồi doanh thu từ các nhà máy phát điện không dùng khí đốt và chi tiền mặt để cắt giảm hóa đơn của người tiêu dùng.
Trong diễn biến vô cùng căng thẳng giữa Nga và EU, ông DK Joshi, chuyên gia kinh tế trưởng tại cơ quan đánh giá CRISIL cho biết, Ấn Độ đã quyết định mua dầu thô của Nga với một mức giá thấp nhằm giữ cho giá năng lượng trong nước không vượt quá tầm kiểm soát.
Tỷ trọng nhập khẩu dầu của của Ấn Độ tăng từ 2% lên 13% sau khi các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga khiến giá năng lượng trên toàn cầu tăng vọt.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu trên thị trường ngày 10/9 như sau: Xăng E5 RON 92 về 23.350 đồng (giảm 370 đồng), xăng RON 95-III là 24.230 đồng (giảm 430 đồng) một lít; dầu diesel 25.180 đồng một lít, sau khi tăng 1.430 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 25.440 đồng, tăng 1.390 đồng, dầu mazut có giá 16.079 đồng/kg, giảm 470 đồng/kg.
Mức giá mới có hiệu lực từ thời điểm 15 giờ 00 ngày 05 tháng 9 năm 2022 cho đến kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo của liên Bộ Công Thương - Tài Chính.
Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng cao đối với dầu diesel và dầu hỏa và giảm nhẹ đối với xăng và dầu mazut.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm