Thị trường hàng hóa
Giá tiêu hôm nay 25/11 điều chỉnh tăng 500 đồng/kg tại Bà Rịa Vũng Tàu. Hiện giá tiêu hôm nay đang được thương lái thu mua ở mức 62.000 đồng/kg – mức cao nhất cả nước.
Trong khi đó, tại các địa phương còn lại, giá tiêu đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng hôm qua. Cụ thể, tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 58.500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay duy trì ở mức 60.000 đồng/kg. Tương tự, tại Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu ở mức 61.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, hôm qua Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 0,11% chốt tại 3.786 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 giữ nguyên mức 2.625 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ vững mức 5.100 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok tăng lên 5.963 USD/tấn sau khi thêm 0,1%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Tại Việt Nam, giá tiêu đen giao dịch ở 3.150 - 3.250 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l, tăng 50 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 4.600 USD/tấn, cũng tăng 50 USD/tấn so với phiên trước. Từ đầu tuần, IPC liên tục điều chỉnh giá tiêu Indonesia lên xuống thất thường.
Số liệu thống kê cho thấy, 17 ngày đầu tháng 11/2022, Việt Nam đã xuất khẩu 9.164 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch đạt 32,6 triệu USD. Đáng chú ý, thị trường hơn 1 tỷ dân Trung Quốc nhập khẩu 2.268 tấn, chiếm 24,7% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.
Trước đó, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam nhận định: Xuất khẩu hồ tiêu được dự báo vẫn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá hồ tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc và đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước.
"Thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu tiêu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi. Thời điểm hiện tại, giá hồ tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay", bà Liên nói.
Cũng theo lãnh đạo VPA, các dự báo đều chỉ ra, nhu cầu hồ tiêu sẽ giảm mạnh vào quý đầu tiên của năm 2023 với mùa Đông đặc biệt khó khăn ở khu vực châu Âu, do cuộc khủng hoảng năng lượng. Thời điểm này trùng với hàng vụ mới của Việt Nam ra thị trường, do đó bức tranh không mấy sôi động.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm