Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản, trong 9 tháng của năm 2022, nguồn cung căn hộ tiếp tục giảm sâu, chỉ bằng 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng vì thiếu hụt nguồn cung, giá căn hộ cả nước đã tăng rất mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản tiết lộ: Phân khúc nhà ở giá rẻ có nhu cầu lớn nhưng nguồn cung thiếu và yếu nên giá cả tăng mạnh, so với năm 2021 thì thời điểm hiện tại giá nhà đã tăng khoảng 30%, so với năm 2019 đã tăng 50%.
Trong khi đó, báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, trong quý III/2022, giá căn hộ tại TP.HCM tiếp tục tăng thêm 1%, hiện mức giá trung bình đạt 66 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ vẫn chưa có nhiều cải thiện, cả quý chỉ có khoảng 4.100 căn mở bán, giảm tới 54% so với quý trước. Đa phần căn hộ mở bán trong quý thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tới 75% số lượng căn hộ, giá bán trên 50 triệu đồng/m2.
Tương tự, loại hình biệt thự, nhà phố tại TP.HCM cũng ghi nhận giá sơ cấp tăng gần 30% so với quý trước và gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức trung bình 293 triệu đồng/m2.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman&Wakefield Việt Nam nhận định: Xu hướng tăng giá không chỉ dừng lại ở quý III/2022, mà nó có thể kéo dài trong thời gian tới.
Bà Trang giải thích: Có rất nhiều yếu tố sẽ khiến giá nhà khó lòng đi xuống, từ việc giá đất, giá vật liệu xây dựng đã tăng rất cao so với các năm trước, chi phí phát triển dự án, nhân công gia tăng buộc các chủ đầu tư có dự án triển khai phải tính toán lại giá sản phẩm bán ra thị trường để cân bằng ngân sách.
“Thời gian thẩm định pháp lý và hoàn thiện hồ sơ cấp phép dự án kéo dài cũng làm ngân sách dự án bị dội lên, khiến các dự án mở bán sau dù khó lòng đưa ra mức giá thấp hơn các dự án cùng phân khúc trước đó”, bà Trang nhấn mạnh.
Nhận định về thị trường bất động sản TP.HCM từ nay đến cuối năm 2022, bà Trang cho rằng: Thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Đơn cử như Chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, và việc ngân hàng nhà nước tăng lãi suất điều hành sẽ làm hai dòng vốn quan trọng vào bất động sản là tín dụng ngân hàng và trái phiếu gặp phải hạn chế.
Lãi suất tăng, trái phiếu doanh nghiệp khó khăn sẽ làm sâu hơn cơn khát vốn kéo dài chưa có giải pháp hiện tại.
Bên cạnh đó, việc chi phí kinh doanh, chi phí vốn tăng cao hơn cùng tâm lý thắt chặt chi tiêu, trong đó có chi tiêu và đầu tư cho bất động sản của người tiêu dùng cũng là khó khăn mà thị trường bất động sản cuối năm phải đối mặt.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng: Từ nay đến cuối năm, một số phân khúc có điểm sáng, dư địa, tiềm năng vẫn còn lớn. Đó là bất động sản nghỉ dưỡng; bất động sản công nghiệp; nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhu cầu đầu tư và nhu cầu thực tại các phân khúc này cũng tương đối lớn.
Ví dụ như phân khúc bất động sản công nghiệp đang có tỷ lệ lấp đầy tới 89%, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng của giới chuyên gia, đội ngũ công nhân cũng rất cao. Do đó, các địa phương sẽ cần đẩy mạnh phát triển các phân khúc, sản phẩm dịch vụ ăn theo.
Mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng thị trường bất động sản hiện đang đối mặt với nhiều điểm nghẽn khó khăn. Đơn cử như các quy định của pháp luật, các thủ tục pháp lý đang khiến nhiều dự án nằm chờ chưa thể triển khai.
"Thời gian vừa qua, Chính phủ đang cố gắng tháo gỡ các rào cản khó khăn, tôi tin rằng thi trường sẽ dần có cân bằng tốt hơn trong năm 2023", ông Đính nhấn mạnh.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm