Thị trường hàng hóa
“Giấc mơ Mỹ” và sức mạnh của văn hoá nghệ thuật
Văn hoá nghệ thuật không chỉ phản ánh sự phát triển và tiến hoá của con người, mà còn là tấm gương phản chiếu sức mạnh, sự phát triển và sức ảnh hưởng toàn cầu của một quốc gia. Ví dụ kinh điển cho sức ảnh hưởng văn hoá này phải nhắc đến Hoa Kỳ - đệ nhất truyền thông đại chúng với một đế chế điện ảnh chiếm thế độc tôn trong nền công nghiệp văn hóa toàn cầu. Hollywood và Broadway từng thống trị về tư tưởng, nội dung, tiêu chuẩn thẩm mỹ của ngành điện ảnh và ngành biểu diễn nghệ thuật toàn thế giới trong suốt nửa thế kỷ. Kể cả sau thời kỳ Đại suy thoái, nền kinh tế Mỹ mất gần 20 năm để phục hồi, thì ngành công nghiệp văn hoá vẫn tiếp tục được xứ cờ hoa đầu tư khủng.
Mỗi năm, quốc hội Mỹ chi ngân sách khoảng 150 triệu USD cho các dự án nghiên cứu và các dự án văn hóa cộng đồng. Năm 2015, có tới 4,7 triệu người đa quốc tịch làm việc trong các ngành công nghiệp văn hóa tại Mỹ, đóng góp 698 tỉ USD cho GDP, xuất siêu hơn 41 tỉ USD các sản phẩm văn hóa mang giá trị Mỹ, hệ tư tưởng Mỹ đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật đem lại nguồn thu cho nước Mỹ nhiều hơn xuất khẩu vũ khí (vốn là thế mạnh của quốc gia này). Có thể thấy, ngành công nghiệp của xứ cờ hoa đã thực sự tạo nên một “giấc mơ Mỹ” lan toả toàn cầu.
Giống như Mỹ, nhiều quốc gia cũng có giấc mơ riêng khi phát triển ngành công nghiệp văn hoá rất thành công. Gần nhất với Việt Nam phải nhắc đến Thái Lan. Quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này đã dựa vào di sản văn hoá để trở thành quốc gia có giá trị xuất khẩu các sản phẩm văn hóa đứng thứ hai ASEAN (chỉ sau Singapore), và là quốc gia duy nhất trong khu vực duy trì được tỉ trọng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu sản phẩm văn hóa liên tục trong hơn 10 năm. Các ngành tiên phong mang giá trị văn hóa Thái Lan ra thế giới chính là các di sản văn hóa với nghề thủ công, du lịch văn hóa lịch sử, ẩm thực và y học cổ truyền.
Có thể thấy, đầu tư vào văn hoá chính là một kênh đầu tư không chỉ mang lại lợi nhuận khổng lồ, mà còn là đầu tư cho hình ảnh của cả một quốc gia. Dân tộc nào càng khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực văn hoá, sức ảnh hưởng trên bình diện toàn cầu của dân tộc đó càng lớn mạnh.
Biểu tượng văn hoá và sức ảnh hưởng toàn cầu
Cần phải khẳng định một điều rằng, văn hoá nghệ thuật là những sản-phẩm-người. Tức là chỉ có xã hội loài người mới đủ khả năng để tạo ra những giá trị trừu tượng này. Từ hình họa, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, văn học, sân khấu, xiếc, nhiếp ảnh, cho đến điện ảnh..., những loại hình văn hoá nghệ thuật này khi được đầu tư bài bản đã trở thành chìa khoá để nhiều quốc gia tạo nên sức ảnh hưởng của mình trên toàn cầu.
Theo xếp hạng của U.S. News & World Report năm 2018, Ý là nước đứng đầu tiên trong top 10 quốc gia có nền văn hoá ảnh hưởng toàn thế giới. Nước Ý không chỉ có Leonardo da Vinci, có kinh đô thời trang Milan, mà còn là cái nôi của bộ môn nghệ thuật đỉnh cao nhất trên toàn thế giới - opera. Có thể nói, opera là một trong những biểu hiện văn hóa chân thực và nguyên bản nhất của đất nước hình chiếc ủng, kể câu chuyện của Italy một cách hoàn toàn khác biệt với các nước khác trên thế giới.
Danh tiếng về nghệ thuật opera tại Ý được tạo nên bởi vô số vô số các nhà hát opera và các nghệ sĩ lừng danh. Trong đó, nhà hát Opera La Scala tại Ý không chỉ là thánh đường nghệ thuật, là giấc mơ của các nghệ sĩ lừng danh toàn cầu, mà còn là một biểu tượng của nước Ý với vài triệu du khách trên thế giới ghé thăm hàng năm.
Xếp thứ hai trong top 10 quốc gia có nền văn hoá ảnh hưởng toàn thế giới của U.S. News & World Report là Pháp, với các dấu ấn về mỹ thuật, ẩm thực, đặc biệt là kiến trúc. Tại đây, nhiều công trình kiến trúc đã trở thành biểu tượng vượt thời gian, vượt không gian để kết nối cả thế giới như Tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà Paris, Bảo tàng Louvre hay Palais Garnier - nhà hát opera nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Tại Việt Nam, văn hoá nghệ thuật vẫn luôn là hồn cốt của dân tộc, luôn được coi trọng và tôn vinh theo suốt chiều dài lịch sử. Ngày 8/11/2019, trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế, nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì chưa thành công". Để trở thành một cường quốc văn hoá, thì ngành công nghiệp văn hoá không thể chỉ có những giá trị văn hoá cổ truyền ngàn đời. Chúng ta cần đầu tư những sáng tạo, sản phẩm, dịch vụ, công trình văn hoá có thể nâng tầm vị thế đất nước, để văn hoá nghệ thuật Việt Nam có thể tiệm cận với tinh hoa văn hoá nghệ thuật thế giới.
Những công trình kiến trúc độc bản, những bảo tàng lớn thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, hay những nhà hát tầm cỡ có thể trở thành thánh đường nghệ thuật mà giới nghệ sĩ toàn cầu khao khát…, đó chính là những công trình mà Việt Nam còn thiếu và cần sớm được đầu tư để ghi tên mình trên bản đồ văn hoá nghệ thuật thế giới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm