Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo của One Mount Real Estate, phân khúc chung cư tại Hà Nội tiếp tục sụt giảm nguồn cung trong quý I/2023. Theo đó, nguồn cung sơ cấp đạt hơn 1.740 căn, phần lớn thuộc phân khúc trung và cao cấp. Lượng tiêu thụ cũng duy trì ở mức thấp.
Các dự án chung cư mới mở bán trong quý chủ yếu nằm gần đường Vành đai 3 và Vành đai 3,5, với 42% đến từ các quận phía Tây và 45% đến từ các quận, huyện phía Đông.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thị trường và am hiểu khách hàng One Mount Estate cho rằng: Trong quý I/2023, cung tiêu thụ cao hơn nguồn cung mới, do lãi suất cao, thanh khoản không tốt, khiến chủ đầu tư hạn chế ra hàng.
Bên cạnh đó, ông Tiến cho biết, nhìn vào sự phân bố chung cư tại Hà Nội, có thể thấy nguồn cung chính đến từ 2 cực Đông - Tây thành phố. Tuy nhiên, trục phía Đông sẽ trở thành điểm nhấn trong thời gian tới.
Bởi vì, quỹ đất các quận phía Tây đang hạn chế, quá tải. Ngược lại, quỹ đất tại khu Đông đang có quỹ đất lớn, không chỉ các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh, thậm chí còn lan sang khu vực Văn Giang (Hưng Yên).
“Các tiêu chí lên quận của Đông Anh và Gia Lâm đã đầy đủ, dự kiến sẽ lên quận vào cuối năm nay. Đặc biệt, khu vực này cũng đang có nhiều chủ đầu tư lớn đầu tư. Đây có thể là một cú hích cho sự phát triển của khu Đông”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, một số khách hàng, nhất là người lớn tuổi ở Hà Nội có tâm lý ngại qua sông Hồng. Đây là rào cản lớn ở khu vực này.
Về giá bán, ông Tiến phân tích: Từ năm 2017, giá bán sơ cấp trung bình tăng 7% mỗi năm, trong đó phân khúc hạng sang và cao cấp tăng giá nhanh nhất với tốc độ khoảng 12 - 19%/năm, trong khi phân khúc trung cấp và bình dân chỉ ghi nhận mức tăng lần lượt khoảng 7%/năm và 4%/năm.
Giá bán của các dự án mới được dự báo tiếp tục tăng trung bình khoảng 3 - 8% trong năm 2023 nhờ các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và quy hoạch phân khu đô thị làm thay đổi diện mạo cả thành phố.
Chung cư nằm khu Đông Hà Nội như Đặng Xá hay Ecopark là một trong những khu vực có tốc độ tăng giá nhanh nhất. Mức giá mỗi năm một tăng cao.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Tiến nói: Thứ nhất, Giá chung cư tăng chóng mặt có một phần trách nhiệm của các chủ đầu tư bất động sản lớn. Họ chi phối mặt bằng giá chung cư tại khu vực này.
“Đơn cử như một dự án chung cư đưa ra giá cao, buộc các chủ đầu tư khác nằm trong khu vực này phải điều chỉnh giá bán. Với mô hình trên đã đẩy giá chung cư tăng chóng mặt”, ông Tiến nói.
Bên cạnh đó, giá chung cư tại Hà Nội tăng mạnh từ thời điểm cuối đại dịch còn đến từ nhiều yếu tố, như quỹ đất không còn nhiều, khu vực bên trong Vành đai 3 gần như không có đất xây dựng chung cư. Ngoài ra, các yếu tố pháp lý, vật liệu xây dựng tăng giá cũng khiến giá nhà tăng.
Ông Tiến cho rằng, ở thời điểm hiện tại, giá chung cư đang chững lại, tuy nhiên thời gian tới, khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng trở lại, giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục đua giá.
“Không chỉ Hà Nội, TP HCM cũng đang trong tình trạng “đua giá” chung cư, thậm chí mức độ tăng còn cao hơn Thủ đô”, ông Tiến nói.
Đồng tình với nhận định này, ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh One Housing cho biết: Căn cứ vào thời điểm hiện nay, việc chờ đợi giá chung cư giảm là không có.
“Mức lương của người Việt đã cao hơn trước, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều lên tới 35 triệu người. Đây là yếu tố khiến giá chung cư khó giảm. Đó là chưa kể, trong Luật Đất đai mới, sẽ bỏ khung giá đất và tính giá thị trường, thì chắc chắn giá chung cư sẽ không rẻ được”, ông Trung nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Trung cho rằng, giới trẻ ngày càng ưa chuộng phân khúc chung cư, thay vì lựa chọn nhà thấp tầng. Bởi, giá chung cư vẫn đang thấp hơn khá nhiều so với nhà thấp tầng.
“Xu hướng mua nhà hiện nay trong giới trẻ là không dành hết tiền để mua nhà, thay vào đó là trích một phần mua nhà, một phần còn lại để kinh doanh. Do đó, chung cư vẫn được ưa chuộng trong thời gian tới”, ông Trung nói.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm