Thị trường hàng hóa
Từ tháng 8 vừa qua, dư luận xã hội không ngừng xôn xao về những phiên đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, thời gian đấu giá dài và mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm.
Diễn biến và kết quả này vẫn tiếp tục tiếp diễn tại các phiên đấu giá đất gần đây ở Hà Đông, Thường Tín. Theo đó, ngày 19/10, quận Hà Đông đã đấu giá thành công 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội. Đáng chú ý, sau 14 vòng đấu, đã xác định được khách hàng trúng giá cao nhất lên đến 262 triệu đồng/m2, cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng/m2.
Ngày 22/10, tại Thường Tín, sau 16 giờ đấu giá “khốc liệt”, 19/40 thửa đất ở thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội cũng được đấu giá thành công với mức giá trúng cao nhất ở mức 52,864 triệu đồng/m2; giá thấp nhất 24,384 triệu đồng/m2 với mức giá khởi điểm 3,864 triệu đồng/m2. Còn 21 thửa đất không đấu giá thành công do người tham gia đấu giá vi phạm quy chế.
Giá đất tiếp tục tăng cao thông qua đấu giá.
Thông tin từ huyện Thanh Oai vừa cho biết, ngày 16/11 tới đây, các đơn vị sẽ tổ chức phiên đấu giá 25 lô đất đất tại khu Man Cá , Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, địa điểm tổ chức tại nhà thi đấu huyện Thanh Oai. 25 lô đất có ký hiệu từ 93-117, diện tích nhỏ nhất gần 84 m2 và lớn nhất hơn 143 m2. Giá khởi điểm các lô này từ 5,3 triệu đồng một m2, tương ứng tiền cọc 88-151 triệu đồng mỗi lô.
Khu vực đấu giá đất lần này cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 30km, nằm gần khu ngõ 3 thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao - nơi đã tạo "cơn sốt" cho thị trường đất vùng ven khi có lô góc được đấu lên đến 100,5 triệu đồng/m2. Hầu hết các lô đất có giá trúng từ trên 80 - 90 triệu đồng/m2, lô trúng thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m2.
Nhận định về những diễn biến bất thường của giá đất thông qua các cuộc đấu giá thời gian gần đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, dù đã được cơ quan chức năng vào cuộc nhưng diễn biến những phiên đấu giá vẫn không có gì thay đổi, thậm chí, giá đất đấu giá còn tiếp tục tăng cao.
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân liên quan đến giá khởi điểm, nhu cầu BĐS tăng cao, thị trường BĐS Hà Nội đang tăng trưởng “nóng”. Cùng đó là hành vi các hành vi đầu cơ, thổi giá.
Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 26/10 theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, giá đất nhảy múa chưa từng thấy, rất kỳ lạ. Đã đến lúc Chính phủ cần tập trung các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà quản lý giỏi về đất đai để bàn giải pháp nhằm "chặn đứng" các bất cập về giá đất.
"Nếu không kịp thời ngăn chặn các vấn đề về giá nhà đất, sẽ gây rất tiêu cực rất lớn, từ giá đất sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, nhất là với sản xuất", ông Trí lo ngại.
Chia sẻ về vấn đề giá đất bên hành lang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) lo ngại giá nhà đất càng ngày càng tăng cao, xa rời thực tế và dẫn đến hệ luỵ, nhiều người trẻ không thể tiếp cận được nhà.
Theo đại biểu Lan, cần phải xem lại vấn đề đầu cơ. Có những người chỉ đi buôn bán bất động sản mà giàu. Người này truyền tai người kia và cuối cùng đẩy giá nhà đất lên cao.
Ngay cả các công trình, dự án khi thu hồi đất để làm dự án, không có chủ đầu tư nào mong muốn giá nhà đất "tăng vù vù" như vậy vì giá tăng cao sẽ dẫn đến tăng suất đầu tư, sau này sẽ rất khó bán, khó có lợi nhuận. Chỉ có những người đầu cơ là vui mừng.
“Cơ quan chức năng cần phải xem lại chính sách thuế với những người có 2-3 bất động sản trở lên và mua đi bán lại như vậy liệu có phù hợp hay không? “, bà Lan đề xuất.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm