Thị trường hàng hóa
3 yếu tố kích hoạt thị trường trong tương lai
Theo ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, sau khi đạt đỉnh vào năm 2021 thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam đã chững lại trong năm 2022. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị giao dịch M&A đạt mức 5,7 tỷ USD, giảm khoảng 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng giao dịch giảm xuống mức dưới 350 giao dịch, tương đương mức giảm 50% so với mốc gần 700 giao dịch của năm 2021.
Quy mô giao dịch bình quân đối với một giao dịch có giá trị được công bố đã giảm từ mốc 31,1 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 16,5 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022. Số lượng megadeals (giao dịch có giá trị vượt quá 100 triệu USD) được ký kết trong 10 tháng đầu năm 2022 đã giảm khoảng một nửa xuống còn 13 thương vụ so với 22 thương vụ trong cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư hiện lo ngại về những xu hướng địa chính trị toàn cầu tác động đến nền kinh tế Việt Nam, từ đó dẫn đến sự sụt giảm về tổng giá trị giao dịch và cả quy mô giao dịch bình quân.
Tuy nhiên, tình hình thị trường M&A ở Việt Nam có thể thay đổi đáng kể nếu các giao dịch lớn liên quan đến thoái vốn nhà nước diễn ra vào năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo đó, từ nửa cuối năm 2023, thị trường M&A sẽ bắt đầu phục hồi khi lạm phát và lãi suất được điều chỉnh giảm hợp lý hơn. “Khi xu hướng này tiếp tục, chuyển đổi số, năng lượng sạch, thị trường tiêu dùng rộng lớn và nhận thức về ESG (môi trường - xã hội - quản trị) ngày càng tăng sẽ tiếp tục là những chủ đề chính cho hoạt động M&A trong tương lai tại Việt Nam”- chuyên gia của KPMG dự báo.
Chỉ ra nguyên nhân, TS. Nguyễn Công Ái - Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận định: Có 3 yếu tố sẽ kích thích thị trường M&A tăng trưởng trong thời gian tới. Đó là làn sóng chuyển đổi số kết hợp đổi mới sáng tạo; sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong nước khiến thị trường tiêu dùng trở nên rất tiềm năng; và xu thế “go green”, xanh hóa năng lượng của Việt Nam đang khiến “sân chơi” năng lượng trở nên hấp dẫn hơn.
“Khẩu vị” M&A của nhà đầu tư thay đổi
Chia sẻ tại sự kiện Diễn đàn M&A 2022, diễn ra chiều ngày 23/11, các chuyên gia nhận định rằng, hoạt động M&A hiện nay có xu hướng dịch chuyển từ “cơ hội” sang “chiến lược”, nghĩa là hướng tới giá trị lâu dài hơn là cơ hội trong ngắn hạn. Bởi lẽ những rủi ro và biến động của thị trường hiện nay khiến người mua và người bán “ngập ngừng”.
Cùng với yếu tố giằng co về giá giữa bên mua và bên bán, có thể thấy, “khẩu vị” M&A cũng thay đổi. Các quỹ đầu tư tư nhân “rủng rỉnh” hàng ngàn tỷ USD đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng mục tiêu thì khác biệt so với giai đoạn trước.
Đơn cử, trong lĩnh vực bất động sản. Trước hàng loạt thông tin rao bán dự án, nhà đầu tư không quá chú trọng yếu tố “giá rẻ” nữa, mà quan tâm đến vấn đề “rủi ro nhiều hay ít”.
Theo đó, trước đây, người mua có thể ưa chuộng những tài sản nhiều rủi ro vì rẻ, hoặc vì kỳ vọng sẽ hoàn thiện được thủ tục pháp lý trong thời gian ngắn. Nhưng giờ đây, họ rất kỹ tính, lựa chọn tài sản rất cẩn thận.
“Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn chảy vào lĩnh vực địa ốc bị kiểm soát chặt chẽ, các doanh nghiệp nước ngoài thường đặt ra nhiều tiêu chí khắt khe để lựa chọn đối tác, như thương hiệu uy tín, tiềm lực tài chính tốt, khả năng hoàn thiện thủ tục pháp lý và triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng cam kết…”- TS. Phạm Anh Khôi, Tổng giám đốc Công ty Tài chính VINA phân tích.
Về đối tượng mua, các chuyên gia nhận định, đang có xu hướng mới. Với mục tiêu thay đổi cơ cấu kinh tế, hạn chế phụ thuộc vào dầu mỏ, các quỹ đầu tư ở Trung Đông đang đẩy mạnh đầu tư vào start-up, lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là đầu tư vào các nước đang phát triển, đạt tốc độ phát triển cao như Việt Nam. Các quỹ đầu tư quốc gia thuộc Vùng Vịnh đang nắm giữ gần 2.500 tỷ USD, chiếm 25% tổng tài sản các quỹ đầu tư quốc gia toàn cầu. Vì vậy, cơ hội hợp tác đầu tư rất rộng mở.
Thị trường M&A trong năm 2023 có thể sẽ được chứng kiến những thương vụ “khủng” đến từ lĩnh vực hàng tiêu dùng, như ThaiBev (Thái Lan) muốn mua lại 36% cổ phần của Sabeco sau khi chi 4,8 tỷ USD để mua lại 54% cổ phần vào năm 2017; đến từ việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với giá trị danh mục 248.000 tỷ đồng; đến từ hàng loạt start-up kỳ lân mới nổi được định giá hàng tỷ USD trong danh sách ưu tiên rót vốn của nhà đầu tư ngoại… Những “cơn gió lạ” này khi gặp được “vùng áp thấp chính sách” rất có thể sẽ tạo ra những “cơn bão” lớn trên thị trường M&A năm 2023 - 2024. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm