Thị trường hàng hóa
Năm 2013, WHO đã đặt ra mục tiêu trên nhắm đến việc giảm lượng muối tiêu thụ toàn cầu năm 2025 xuống khoảng 30%. Mặc dù tất cả 194 quốc gia thành viên của WHO đã cam kết thực hiện, nhưng chỉ có 5% quốc gia đặt ra các chính sách giảm muối natri toàn diện.
Theo Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, muối là một chất dinh dưỡng thiết yếu tạo vị mặn cho các món ăn, nhưng nếu tiêu thụ quá mức sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong sớm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến 2 triệu ca tử vong mỗi năm.
Lượng muối tiêu thụ trung bình toàn cầu ước tính là 10,8 gam/người mỗi ngày, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị của WHO là dưới 5 gam mỗi ngày đối với người trưởng thành, theo báo cáo của WHO.
Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng vì Sức khỏe và Phát triển của WHO, cho biết: “Tiến độ diễn ra chậm và chỉ một số quốc gia có thể giảm lượng natri tiêu thụ của người dân, song vẫn chưa quốc gia nào đạt được mục tiêu. Vì vậy, kế hoạch đang được xem xét để mở rộng đến năm 2030”.
Việc thực hiện các chính sách giảm natri của các quốc gia được đánh giá theo “Thẻ điểm quốc gia về natri” từ mức thấp nhất là 1 đến mức tối đa là 4.
Báo cáo của WHO chỉ ra rằng chỉ có 9 quốc gia đạt điểm 4, nghĩa là họ có chính sách giảm natri toàn diện: Brazil, Chile, Cộng hòa Séc, Litva, Malaysia, Mexico, Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha và Uruguay. Ngoài ra, có 22% quốc gia đạt điểm 3 do họ có ít nhất một chính sách natri bắt buộc và có quy định về lượng natri đối với thực phẩm đóng gói sẵn.
Tiến sĩ Branca cho biết: “Chúng ta có thể giảm lượng natri bằng cách nêm nếm ít muối ăn hơn, hoặc chọn mua các loại thực phẩm chứa ít muối natri hơn. Tuy nhiên cũng cần thêm một số chính sách công để người dân dễ dàng thực hiện theo”.
Tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nói rằng báo cáo này cho thấy “các quốc gia phải khẩn trương thực hiện các chính sách đầy tham vọng và bắt buộc về giảm natri do chính phủ chỉ đạo để đáp ứng mục tiêu toàn cầu là giảm lượng muối tiêu thụ vào năm 2025”.
Ông Frieden đồng thời cũng là chủ tịch và giám đốc điều hành của Resolve to Save Lives, một tổ chức phi lợi nhuận làm việc với các quốc gia để ngăn chặn 100 triệu ca tử vong do bệnh tim mạch trong hơn 30 năm. Cơ quan này cho biết các mục tiêu của họ được thiết kế để hỗ trợ giảm lượng natri trung bình khoảng 12%, từ khoảng 3.400 miligam mỗi ngày xuống còn 3.000 miligam mỗi ngày.
WHO kêu gọi các quốc gia thực hiện các biện pháp can thiệp liên quan đến natri, bao gồm điều chỉnh lại lượng muối trong thực phẩm chế biến, thiết lập các chính sách hạn chế thực phẩm giàu natri trong các cơ sở công cộng, dán nhãn trước bao bì để giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm có hàm lượng natri thấp hơn.
WHO cho biết những chính sách như vậy có thể giảm hơn 20% lượng natri hấp thụ, tiến gần đến mục tiêu đặt ra cho năm 2025, đồng thời có khả năng cứu sống khoảng 7 triệu người trên thế giơi vào năm 2030.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm