Thị trường hàng hóa
Câu chuyện kể về thời thơ ấu của tác giả ở Brooklyn, New York, Hoa Kỳ nhưng chủ yếu tập trung vào những năm tháng gia đình ông chuyển về quê mẹ sống ở khu ổ chuột Limerick, Ireland. Tuổi thơ của McCourt là những ngày dài sống trong cảnh nghèo túng, bệnh tật, rác rưởi và thiếu thốn. Sự nghèo đói đeo đuổi lại thêm một người cha nghiện rượu khiến cho gia đình họ phải đi ăn xin từng bữa, nhặt nhạnh mọi thứ.
Cuốn tiểu thuyết là sự trưởng thành của những đứa trẻ với sự hi sinh của người mẹ và những câu chuyện huyền diệu từ người cha, dù chính ông ấy không hoàn toàn là một người đàn ông tốt. Với tất cả tình yêu thương, câu chuyện được viết theo lối kể hóm hỉnh, nhẹ nhàng và tràn ngập hi vọng bên cạnh những nỗi đau cuộc sống.
McCourt không phán xét số phận mà đón nhận tất cả với lòng bao dung và thi vị, làm bật lên ý nghĩa cuộc sống từ những điều đơn giản nhất. “Tro tàn của Angela” không chỉ là cuộc đấu tranh sinh tồn của một gia đình nhập cư trên đất Mỹ rồi trở về tha hương ngay trên chính quê hương mình, đó còn là bài học giáo dục của mỗi thế hệ: Trưởng thành từ trong gian khó và trong việc xây dựng đức tin. “Tro tàn của Angela” cũng là câu chuyện của một người trẻ, lớn lên và sống sót giữa “văn hóa đói nghèo”.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan nói về cuốn sách: “Trên thế giới có vô vàn câu chuyện về đói nghèo nhưng chỉ tài năng văn chương cỡ như Frank McCourt cùng chất Ireland trong con người ông mới có thể kể về tuổi thơ đói nghèo của chính mình bằng giọng văn độc đáo, hòa quyện bi và hài khiến độc giả toàn thế giới bị cuốn hút như thế.
Trải qua tuổi thơ ở Limbrick, Ireland, Frank McCourt đói triền miên do tình hình khó khăn chung và do cha ông luôn bị mất việc vì nghiện rượu và luôn vào quán rượu gần nhất nốc hết khoản trợ cấp thất nghiệp hàng tháng khiến đàn con ở nhà chẳng có nổi một mẩu bánh mỳ. 14 tuổi McCourt nghỉ học đi làm bưu tá thực tập (như theo bạn ông tính), 2 năm đạp xe 13 nghìn dặm (bằng nửa vòng trái đất) giao phát 20 nghìn bức điện.
Dù cậu bé McCourt luôn đói ăn, người đọc dễ dàng nhận thấy cậu không đói văn hóa: Cậu luôn kiếm được sách để ngồi đọc dưới chân cột đèn, ngồi ngoài cửa sổ phòng của người hàng xóm nghe kịch trên đài BBC, mê các tác phẩm của văn hào Shakespeare. Bởi vậy sau khi sang Mỹ lao động để kiếm sống và gửi tiền về cho gia đình, McCourt đã được nhận vào Đại học New York vì "đọc nhiều hiểu rộng" và rồi trở thành thầy giáo, nhà văn nổi tiếng thế giới với cuốn tự truyện Tro Tàn Của Angela.
Mỗi khi bế tắc, bà Angela - mẹ của Frank Mccourt, thường ngồi thẫn thờ gẩy những tàn tro trong bếp. Vì thế tác phẩm này có tên là "Tro tàn của Angela”.
Francis McCourt (1930 - 2009) là giáo viên và nhà văn người Mỹ gốc Ireland. Năm 1951, ông bị bắt tham gia Chiến tranh Triều Tiên rồi được gửi đến Bavaria và huấn luyện chó trong 2 năm đầu, sau đó làm nhân viên bán hàng. Sau khi giải ngũ, ông quay trở lại Thành phố New York, làm các công việc trên bến tàu, nhà kho và ngân hàng.
“Tro tàn của Angela” (tựa gốc: Angela's Ashes) là cuốn hồi ký được xuất bản lần đầu vào năm 1996, nhanh chóng lọt vào top sách bán chạy của năm, The New York Times Bestseller. Tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Phê bình sách quốc gia 1996 (The National Book Circle Critics Circle Award).
Năm 1997, cuốn sách giành được giải Pulitzer. “Tro tàn của Angela” cũng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, phát hành năm 1999, do Alan Parker đồng biên kịch và đạo diễn. Vở nhạc kịch được chuyển thể bởi Adam Howell từ tiểu thuyết cùng tên và ra mắt vào năm 2017.
"Một cuốn sách đáng ngạc nhiên... với một lối kết chuyện thôi miên - bạn có thể giở bất kỳ một trang sách để đọc và để kinh ngạc" - Sue Gaisford, Independent. "McCourt sử dụng một lối viết hài hước bậc thầy và phô diễn một khả năng kể chuyện tự nhiên bẩm sinh... Giàu nhạc tính, thông minh, hấp dẫn... Chỉ có thể là người kể chuyện hấp dẫn nhất mới khêu gợi được sự khao khát của độc giả đến thế: Người đọc vẫn còn nhu cầu đọc thêm nữa, ngay cả khi câu chuyện đã kết thúc. Với TRO TÀN CỦA ANGELA, Frank McCourt cho thấy ông là một trong những nhà văn tài năng nhất" – Malcolm Jones, Newsweek. "Một cuốn hồi ký hiện đại cổ điển... tuyệt đẹp" - Michiko Kakutani, The New York Times. |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm