Thị trường hàng hóa
TS Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, theo Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030, TP cần nguồn kinh phí khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án.
Hạ tầng là một trong hai “điểm nghẽn” lớn nhất của TP Hồ Chí Minh lâu nay, bên cạnh “điểm nghẽn” về cơ chế. Nếu như cơ chế phát triển TP đã được tháo gỡ phần nào bằng Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh) mà TP đang tích cực triển khai, thì hạ tầng vẫn là "điểm nghẽn" chưa thể giải quyết trong “ngày một ngày hai”.
“Nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn và cơ chế huy động vốn. Cần đầu tư nhiều hơn cho phát triển hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông cho TP và các vùng kinh tế phía Nam.
Các tuyến cao tốc thi công ì ạch, đường vành đai nhiều năm không khép kín được. Các mạng lưới đường vành đai, cao tốc đã sớm có trong quy hoạch, chứng tỏ TP có tầm nhìn nhưng vì thiếu vốn nên đành lực bất tòng tâm”, ông Lịch chỉ rõ.
Hạ tầng vẫn là "điểm nghẽn" chưa thể giải quyết trong “ngày một ngày hai” tại TP Hồ Chí Minh.
Cũng theo ông Lịch, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đã cho phép TP Hồ Chí Minh huy động vốn từ nhiều nguồn. Hiện TP đang hoàn thiện đề án này để trình các cấp chính quyền phê duyệt về cơ chế, chính sách.
“Trong bối cảnh khan hiếm vốn như hiện nay, nếu TP Hồ Chí Minh có những chính sách để thu hút được dòng tiền, trong đó có nguồn kiều hối và nắn dòng vốn này vào các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và đầu tư thì hiệu quả sẽ lớn hơn. Mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn nhiều
Bởi đây là dòng tiền ròng, rất ổn định, tăng đều qua từng năm và chịu nhiều quy định và không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vôn ngoại tệ khác”, ông Lịch nói.
Tuy vậy, không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ như lâu nay mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của Nhà nước. Trước đây, kiều hối chỉ ở dạng chuyển về cho người thân ở Việt Nam là chính, nhưng trong những năm gần đây, kiều hối chuyển về Việt Nam dưới dạng đầu tư.
Để hút dòng kiều hối vào lĩnh vực hạ tầng của TP Hồ Chí Minh, theo ông Lịch, trước tiên, TP cần có một, hai dự án thí điểm. Qua đó, nhà đầu tư thấy được tiềm năng và triển vọng đầu tư. Muốn nước chảy vào đâu thì phải tạo “chỗ trũng”, muốn khuyến khích kiều hối vào hạ tầng thì phải tạo cơ chế, chính sách, dự án đủ hấp dẫn.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu những dự án, công trình có thể triển khai phát hành trái phiếu để việc đề xuất “phát hành trái phiếu hút kiều hối” thêm thuyết phục. Từ năm 2025 trở đi, TP cần có một, hai dự án như vậy để tạo được nền tảng cho bước đường dài hơn sau này. Bởi người nhận kiều hối phải thấy có lợi nhuận tốt và an toàn cho đồng vốn thì họ mới sẵn sàng đầu tư.
TP Hồ Chí Minh có thể chọn dự án như metro để phát hành trái phiếu dự án cho kiều bào. Kênh thứ hai là phát hành trái phiếu đô thị. Loại trái phiếu này được bảo đảm bằng ngân sách TP cũng rất an toàn, giống như trái phiếu Chính phủ.
Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trái phiếu này được lưu chuyển, giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ thì người dân sẽ lựa chọn. Đây là một kênh đầu tư an toàn để thu hút dòng kiều hối chảy vào các dự án xây dựng hạ tầng.
“Ngoài ra, với các dự án lớn thì Công ty Đầu tư Tài chính TP Hồ Chí Minh (HFIC), với chức năng công ty đầu tư tài chính Nhà nước có thể lập quỹ đầu tư cho từng dự án, với nhiều nguồn huy động. Trong đó có nguồn kiều hối.
Nhưng yếu tố đầu tiên mà nhà đầu tư kiều hối cần bảo đảm là tuyệt đối an toàn cho khoản đầu tư. Tiếp đến mới là tỷ lệ sinh lời và tính thanh khoản”, ông Lịch khuyến nghị.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm