Thị trường hàng hóa
Cụ thể, thông báo của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) ngày 8/7 cho biết, JBIC sẽ đóng góp 415 triệu USD cho thoả thuận đồng tài trợ, phần còn lại do các tổ chức cho vay tư nhân khác cung cấp.
Trước đó 3 ngày, hôm 5/7, JBIC đã ký các thỏa thuận với 3 công ty con của Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO), bao gồm công ty Dầu khí MOECO Việt Nam, Công ty Dầu khí MOECO Tây Nam Việt Nam và Công ty Đường ống MOECO Tây Nam Việt Nam.
Số tiền JBIC cho vay lần lượt khoảng 167 triệu USD, 161 triệu USD và 87 triệu USD; tổng cộng là 415 triệu USD.
Cộng thêm khoản vay đến từ các tổ chức tài chính tư nhân khác, tổng số tiền đồng tài trợ cho mỗi đơn vị tăng lên lần lượt là 335 triệu USD, 322 triệu USD và 175 triệu USD; tổng cộng là 832 triệu USD.
Theo JBIC, khoản vay nhằm cung cấp nguồn vốn cần thiết để MOECO phát triển mỏ khí Lô B nằm ngoài khơi bờ biển Tây Nam Việt Nam và xây dựng đường ống vận chuyển khí nhiên liệu đến các nhà máy nhiệt điện ở khu vực Tây Nam đất nước.
Trước đó, hôm 29/3, Tập đoàn Nhật Bản Mitsui &Co., Ltd cũng tuyên bố về việc thông qua công ty con là Mitsui Oil Exploration Co., Ltd. (MOECO), đầu tư khoảng 84 tỷ yên (560 triệu USD) cho dự án Lô B - Ô Môn.
Cũng trong tháng 3, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã cùng các đối tác ký kết loạt thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, bao gồm Hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B, Hợp đồng vận chuyển khí (GTA) Lô B, Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA).
Xem thêm: "Lô B - Ô Môn chưa có FID nhưng Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) sẽ vẫn triển khai tiếp các gói thầu?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn bao gồm các dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn tại Lô B&48/95 và Lô 52/97 đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn.
Dự án có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, từ các đối tác nước ngoài Nhật Bản và Thái Lan như MOECO, PTTEP, Marubeni đến các nhà đầu tư Việt Nam như Petrovietnam, PVEP, PV GAS, EVNGENCO2, WTO.
Dự kiến, dòng khí đầu tiên được khai thác vào cuối năm 2026 và vòng đời của dự án là 23 năm, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn xây dựng (2024-2027), giai đoạn khai thác và mở rộng (2028-2050).
Tổng giá trị đầu tư cho hợp phần thượng nguồn (bao gồm chi phí đầu tư cơ bản, chi phí vận hành và chi phí hủy mỏ) ước tính khoảng 17 tỷ USD.
Tổng trữ lượng ước tính của các mỏ khí Lô B đạt 107 tỷ m3 khí và 12,65 triệu thùng condensate.
Sau khi hoàn thành, dòng khí từ các mỏ Lô B sẽ được vận chuyển qua đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đến các doanh nghiệp tiêu thụ hạ nguồn, trong đó có 4 nhà máy điện Ô Môn tại tỉnh Cần Thơ, với tổng nhu cầu khí cho tổ hợp khoảng 5 tỷ m3/năm, chia cho 4 nhà máy (Ô Môn 1, 2, 3, 4). Khi đi vào vận hành, các nhà máy điện Ô Môn này sẽ cung cấp điện với tổng công suất khoảng 3.800 MW.
Theo Quy hoạch điện VIII, chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn sẽ là nguồn điện quan trọng, cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Nam giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh đó, chuỗi dự án cũng phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu thời gian vận hành thương mại của Ô Môn II, III & IV lần lượt vào năm 2027/2030/2028.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm