Thị trường hàng hóa
CNN đưa tin, thị trường chứng khoản Mỹ vừa trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất từ 1970 tới nay. Nguyên nhân được nhận định là do lạm phát và lãi suất tăng nhanh đã khiến mọi 'ngóc ngách' của thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chỉ số S&P 500 đã giảm 21% từ đầu năm tính đến ngày 30/6, ghi nhận diễn biến tồi tệ nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 1970, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data. Trái phiếu hạng đầu tư – được theo dõi bởi quỹ ETF iShares Core U.S. Aggregate Bond, mất 11% và có 6 tháng đầu năm tệ nhất trong lịch sử.
Ngày thứ Năm là phiên giao dịch cuối cùng của quý II/2022. Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 chứng kiến quý giảm mạnh nhất kể từ quý I/2020, khi các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 khiến cổ phiếu lao dốc. Chỉ số Nasdaq Composite trong quý cũng sụt tới 22,4%, mức lớn nhất kể từ năm 2008.
Bà Quincy Krosby - chiến lược gia tại LPL Financial cho biết: ""Tất cả là do lạm phát, kẻ thù hàng đầu của FED". Bà cũng chia sẻ, việc FED hành động quá chậm đã khiến tình hình xấu đi đáng kể.
Xung đột Nga - Ukraine càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng vì đẩy giá lương thực và năng lượng tăng vọt. Sự lạc quan của người tiêu dùng bị xói mòn nghiêm trọng. Các thị trường tài chính và người tiêu dùng đều lo ngại lạm phát sẽ tăng cao.
Giờ, FED phải gấp rút hành động để kiểm soát lạm phát. Kể từ đầu năm, cơ quan này đã nâng lãi suất 1,5 điểm phần trăm và sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.
Vào tháng 12/2021, FED đặt mục tiêu lạm phát 2% và dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED - sẽ ở mức 2,6% trong năm nay. Nhưng theo dữ liệu được công bố hôm 30/6, PCE tháng 5 của Mỹ đạt 6,3%.
PCE cốt lõi - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - ở mức 4,7%. Còn theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ đã tăng 8,6% so với một năm trước đó.
"Chủ tịch FED Jerome Powell cần giành lại quyền kiểm soát lạm phát. Giờ, lạm phát đã nằm ngoài khả năng kiểm soát của ông", cố vấn kinh tế Mohamed El-Erian của Allianz nói với CNBC.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà dầu tư đều hiểu rõ một điều, rằng tương lai vẫn còn nhiều biến động. Nguyên nhân là bởi các NHTW từ Mỹ đến Ấn Độ, New Zealand có kế hoạch tiếp tục nâng lãi suất để kìm cương lạm phát. Những động thái như vậy có thể kéo tụt đà tăng trưởng và đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái, tạo biến động cho thị trường.
Theo bà Krosby của LPL, thị trường chỉ có thể trở lại khi lạm phát đã được kiểm soát phần nào và FED bắt đầu dừng, hoặc nhẹ tay hơn trong việc siết chặt chính sách.
Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 7, tương tự đợt tăng hồi tháng 6.
Đội ngũ chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng FED có thể nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm trong cả tháng 6 và tháng 7. Đến tháng 9, cơ quan này có khả năng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, và thu hẹp mức tăng còn 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11 và tháng 12. Như vậy, lãi suất có thể được nâng lên khoảng 3,25-3,5% vào cuối năm.
Một số lĩnh vực của thị trường hàng hóa như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động tốt trong năm nay. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của thị trường. Hầu hết ngành nghề, từ ngân hàng, sản xuất ôtô đến vật liệu xây dựng đều ghi nhận mức giảm lớn.
Nhưng theo CNBC, khi nhìn vào quá khứ, các nhà đầu tư vẫn có lý do để lạc quan. Sau khi giảm 21% trong nửa đầu năm 1970, chỉ số S&P 500 đã nhanh chóng đảo chiều và ghi nhận mức tăng 26,5% vào nửa cuối năm. Như vậy, chỉ số này vẫn tăng trưởng trong cả năm.
"Mọi người giao dịch và đầu tư trong những thị trường thực tế, chứ không phải thị trường mà các vị mong muốn", bà Krosby bình luận.
"Liệu thị trường có thể phục hồi trong nửa cuối năm hay không? Đó là một câu hỏi được quyết định bởi nhiều yếu tố. Nhưng điều này đã từng xảy ra trước đây", bà nói thêm.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm